Cho trẻ ăn dặm là một bài toán khó đối với các ông bố bà mẹ trẻ. Khi cho trẻ ăn dặm, các mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc: ăn từ ít đến nhiều, ăn từ loãng đến đặc, tập ăn nhiều món khác nhau
Ăn từ ít đến nhiều
Mẹ hãy bắt đầu tập cho bé làm quen với việc ăn dặm theo nguyên tắc này. Bắt đầu từ 1 muỗng, rồi tăng lên 2 muỗng, 3 muỗng trong những lần đầu tiên. Bên cạnh những loại bột ngũ cốc ăn dặm uy tín có bán sẵn trên thị trường, mẹ có thể cho bé ăn thêm các loại rau củ thông thường như cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ… tán nhuyễn và pha với sữa của mẹ hoặc sữa công thức để bé không quá lạ lẫm với việc ăn khá mới mẻ này. Ngoài ra còn có thể cho bé ăn thêm trái cây như chuối, táo…
Bên cạnh việc ăn dặm, mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ. Giai đoạn này mẹ có thể đã phải quay về với công việc, vì vậy mẹ có thể vắt sữa và trữ trong tủ lạnh để dành cho bé bú trong ngày. Mẹ có thể tranh thủ thêm thời gian buổi trưa để về nhà cho bé bú.
Ăn từ loãng đến đặc
Cũng theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, mẹ hãy tập cho bé ăn từ loãng đến đặc. Rồi dần dần thêm vào bữa bột, bữa cháo các loại rau củ, thịt cá với liều lượng thích hợp theo lứa tuổi của bé. Tập cho bé ăn từ nhuyễn đến hạt lợn cợn rồi dần dần đến ăn cơm. Đừng nghĩ rằng cho bé ăn nhiều sẽ mau lớn, nếu lượng ăn hay lượng đạm quá nhiều so với lứa tuổi sẽ khiến bé không tiêu hóa được, gây hại cho hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về một thực đơn thích hợp cho bé.
Độ đặc của thức ăn tăng dần tùy theo mức độ cho phép của cơ thể bé. Chú ý tránh cho bé ăn các loại hạt hay miếng thức ăn quá to, có thể làm cho bé bị ngạt thở rất nguy hiểm.
Bữa ăn phải đủ 4 nhóm thực phẩm: Bột, béo, đạm, rau và trái cây, mẹ hãy cân đối đầy đủ các nhóm thực phẩm trên trong bữa ăn của bé. Với trái cây, mẹ có thể bắt đầu từ nước ép trái cây pha loãng và trái cây cắt miếng nhỏ.
Mẹ nên thêm vào bát bột, cháo một muỗng dầu ăn dành cho trẻ em để tăng thêm năng lượng. Tuy nhiên tránh dùng nhiều mỡ động vật, bơ để chế biến thức ăn cho bé.
Từ 7 – 8 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn hai bữa bột/cháo xay một ngày. Mẹ cố gắng nghiền nhuyễn các thức ăn cho con mịn và tăng dần độ thô của các loại thức ăn. Nếu không, lớn lên bé sẽ không chịu nhai, ăn cơm và các loại thức ăn khác. Khi bé ăn được các loại thức ăn khác, bé sẽ uống ít sữa đi, mẹ đừng lo lắng nhé.
Tập ăn nhiều món khác nhau
Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa thay thế 3 – 4 lần trong ngày. Bé được tập ăn thịt lúc 8 tháng với lượng khoảng 1 muỗng canh/bữa, có thể bổ sung thêm trứng và bắt đầu với lòng đỏ trứng cho đến khi bé được 1 tuổi.
Từ 9 tháng khi bé đã ăn được kha khá, mẹ có thể nấu cháo cho bé ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước như quan niệm của một số bà mẹ rằng nước xương đã đủ chất, mà nên ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Số lượng bữa ăn trong ngày tùy thuộc vào lứa tuổi. Với bé từ 9 – 12 tháng tuổi, lúc này bé có thể nhai được nhiều hơn. Vì thế, mẹ có thể cho bé ăn thêm các món ăn như rau củ quả hầm chín, luộc nhừ để kích thích bé nhai nhiều hơn. Không nên cho bé các loại thức ăn nhỏ như đậu phộng, lạc rang, nho khô khiến bé dễ bị nghẹn hoặc hóc. Khẩu phần ăn của bé nên dành ¼ – ½ lượng là rau xanh và các loại hoa quả, chất đạm và tinh bột. Phần còn lại, có thể mẹ cho bé ăn bánh quy, sữa chua, váng sữa, phô mai nghiền.
Mẹ vẫn tiếp tục chú ý theo dõi cân nặng và chiều cao, vòng đầu. Từ 12 tháng trở đi bé ăn 3 bữa chính (sáng, trưa, chiều) cùng gia đình và 3 bữa ăn phụ giữa các bữa chính.
Lưu ý khi cho bé ăn dặm
– Không nên nấu rau củ quá lâu vì sẽ làm hủy hết vitamin.
– Thức ăn thừa của bé nên bỏ đi, không nên để dành cho lần sau.
– Tránh những loại nước giải khát đóng hộp vì có thể làm hại cho hệ răng của bé, chỉ nên dùng nước lọc nấu chín.
– Không nên dùng quá nhiều muối và gia vị khi chế biến thức ăn cho bé.
– Tập bé ăn một loại thức ăn mới trong vài ngày, sau đó theo dõi xem có những phản ứng dị ứng không (như tiêu chảy, ói mửa… ), sau khi bé đã quen mới tập ăn loại thức ăn khác.
Đừng quá lo lắng về việc con ăn mỗi bữa bao nhiêu mà hãy quan tâm xem con phát triển từng ngày như thế nào, mẹ nhé!
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.