Khi bị bệnh thận mạn, chức năng của thận sẽ bị suy giảm. Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cho bệnh nhân bảo tồn được chức năng thận và hạn chế biến chứng của bệnh.
Thận là cơ quan bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể. Vì vậy dinh dưỡng của những người mắc bệnh thận mạn rất quan trọng để tránh tích lũy các chất độc hại hoặc các chất không cần thiết khiến cho tình trạng tổn thương của thận thêm nặng nề.
Bệnh thận mạn hay suy thận mạn chia thành 5 giai đoạn. Bệnh nhân thận mạn thường được khuyên giảm đạm trong chế độ ăn tùy vào mức độ bệnh. Bệnh nhân bị suy thận nặng, phải tiến hành lọc máu mới thực hiện chế độ ăn giảm đạm. Còn đối với những bệnh nhân bị suy thận nhẹ, cần tăng lượng đạm nhiều hơn so với những người bình thường.
Muối:
Bệnh nhân thận mạn không nên ăn mặn, chỉ nên ăn 2-4 g muối/ ngày.
- Kali, phospho:
Đây là 2 vi chất cần giảm lượng trong chế độ ăn hằng ngày của bệnh nhân suy thận mạn. Kali thường có nhiều trong một số loại hoa quả như xoài, chuối, các loại thực phẩm màu đỏ hoặc xanh đậm… còn phospho có hàm lượng lớn trong các loại phô mai, nội tạng động vật, thức ăn đóng hộp… Do vậy cần hạn chế các loại thực phẩm trên.
- Nước:
Cần đảm bảo cơ thể luôn cân bằng đủ lượng nước cần thiết. Ở giai đoạn sớm của bệnh, không cần phải hạn chế nước. Cần hạn chế lượng nước khi bệnh nhân có biểu hiện phù nhiều, đi tiểu ít. Lượng nước uống trong ngày = lượng nước tiểu 24h + 300 -500 ml (mất qua mồ hôi, hơi thở) + lượng dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy). Lượng nước uống bao gồm tính cả lượng dịch truyền, nước uống thuốc, uống canh, uống sữa
- Canxi:
Người bệnh thận mạn không nên ăn nhiều thức ăn giàu canxi như nghêu, tôm, cua…
- Protein (chất đạm):
Thiếu đạm, bệnh nhân dễ bị mắc thêm các bệnh phối hợp khác và có nguy cơ tử vong. Giảm đạm phụ thuộc vào số lần lọc máu/tuần. khi mắc bệnh thận mạn ở giai đoạn 3-4 cần hạn chế đạm, ở mức khoảng 0,6-0,8 g/kg/ngày. Ưu tiên các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao từ nguồn động vật (thịt, cá, trứng, sữa,…). Hạn chế các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc). Tỉ lệ đạm động vật ≥ 60%.
- Chất béo:
Bệnh nhân thận mạn nên giảm cholesterol và acid béo bão hòa trong mỡ động vật vì bệnh nhân có thể có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa động mạch đồng thời xảy ra các biến chứng liên quan đến tim mạch. Nên tăng cường ăn các loại thực phẩm, các loại dầu ăn chứa nhiều acid béo không no và omega 3. Tỷ lệ chất béo chiếm 15-25% tổng năng lượng.
- Năng lượng:
Gồm 3 thành phần chính với tỷ lệ các thành phần như sau: bột đường (50-60%), chất béo (25-30%), đạm (<10% tổng năng lượng). Năng lượng cung cấp cho bệnh nhân thận mạn tương đương như người bình thường (30-35 kcal/kg).
- Vitamin:
Do chế độ ăn kiêng khem nên nhiều người thận mạn bị thiếu vitamin, do đó bổ sung vitamin là cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng với bệnh nhân thận mạn rất quan trọng, chính vì vậy, cần phải nắm rõ và thực hiện những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản để bảo tồn chức năng của thận đồng thời hạn chế những nguy cơ biến chứng của bệnh có thể xảy ra.