Giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Bệnh có diễn biến triệu chứng khá phức tạp, có lúc triệu chứng rầm rộ,có khi lại không bắt gặp bất kể triệu chứng gì khiến người bệnh chủ quan và lầm tưởng đã khỏi bệnh, dễ lây truyền sang cho người khác.
Ở phần 1,chúng ta đã tìm hiểu về giang mai mắc phải thời kì 1 và 2. Vậy dấu hiệu lâm sàng giang mai thời kì 3 và giang mai bẩm sinh ra sao ?Hãy cùng tìm hiểu trong phần 2.
Lâm sàng giang mai thời kỳ 3
Tổn thương khu trú ,phá hủy tổ chức gây những di chứng không hồi phục, thậm chí tử vong cho bệnh nhân. Giai đoạn này ít nguy hiểm vì khả năng lây lan trong cộng đồng bị hạn chế. Nhưng nếu là mẹ mang thai có khả năng sinh ra con bị giang mai bẩm sinh.
Có thể chia giang mai thời kỳ 3 thành 3 thể bệnh:
Giang mai củ và gôm giang mai:
Khu trú ở da, niêm mạc, cơ bắp, khớp, mắt, hệ tiêu hoá, gan, nội tiết.
Các củ số lượng ít, khu trú ở 1 vùng,không đối xứng hay gặp ở phần trên lưng các chi. Củ nổi cao trên mặt da, tròn, trơn, thâm nhiễm, không đau, đường kính dưới 1cm, hình nhẫn, hình cung, hoặc vòng vèo, lành ở giữa, phát triển ra xung quanh, có khi có vảy như vảy nến.
Các gôm thường tiến triển qua 4 giai đoạn:
+Giai đoạn gôm cứng: 1 khối rắn, tròn, ranh giới rõ ở dưới da, bề mặt da vẫn bình thường.
+Giai đoạn mềm: mềm từ nông đến sâu, dính vào da làm da đỏ lên, không di động được.
+Giai đoạn loét: vỡ mủ sánh, dính như gôm để lại 1 loét đứng thành, đáy có mủ lẫn máu. Bờ tròn đều hoặc thành cung.
+Giai đoạn thành sẹo: mủ cạn, gôm khỏi để lại 1 sẹo rúm ró,vị trí thường gặp là mặt, da đầu, mông, đùi, cẳng chân, vùng trên ngực.Ở niêm mạc hay gặp ở miệng, môi, vòm miệng, lưỡi, sinh dục và hầu họng,ở sinh dục gôm có thể xuất hiện trên sẹo cũ.
Giang mai tim mạch:
Xuất hiện muộn khoảng 10-40 năm sau khi bị bệnh.
Thường nhất là viêm động mạch chủ lúc đầu không có triệu chứng lâm sàng gì rõ rệt,chủ yếu phát hiện qua các xét nghiệm cận lâm sàng.
Giang mai thần kinh
Giang mai ăn sâu vào tuỷ sống vào não gây viêm màng não huyết quản.Giang mai mô thần kinh bao gồm các dấu hiệu như đau chi, dạ dày, khớp,rối loạn cảm giác,trương lực cơ giảm,rối loạn tiết niệu,rối loạn dinh dưỡng,đầu gối to do tiết dịch.
Ngoài ra có thể xuất hiện tình trạng bại liệt toàn thân, các rối loạn tâm thần,xảy ra khoảng 10-25 năm sau khi bị bệnh.
Giang mai và thai nghén: (Giang mai bẩm sinh)
Khi mẹ mắc bệnh đang mang bầu, sự lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang thai nhi không xảy ra trong 3 tháng đầu mà xảy ra từ tháng thứ 4, thứ 5 trở đi (tuần thứ 16, 18, 19 của thai ).Tùy theo mức độ nhiễm bệnh mà biểu hiện của bệnh sẽ khác nhau. Nếu thai nhi bị nhiễm bệnh nghiêm trọng,ồ ạt thì thường sẩy thai ở tháng 5, 6 hoặc chết lưu,hoặc thai nhi có thể đẻ đủ tháng nhưng chết lưu hoặc đẻ ra chết ngay.
Nếu nhiễm giang mai ở mức độ rất nhẹ thì đẻ ra có thể bình thường nhưng vài ngày sau hoặc trong vòng 6-8 tuần thấy xuất hiện thương tổn giang mai mang tính chất của thời kỳ 2 như bọng nước lòng bàn tay, chân, nứt mép quanh lỗ mũi, chảy nước mũi lẫn máu hoặc viêm xương sụn, đau các đầu chi, giả liệt. Hoặc trẻ đẻ ra gầy gò nhăn nheo như ông già, bụng to, gan lách to. Đấy là dấu hiệu của giang mai bẩm sinh sớm, xuất hiện trong 2 năm đầu.
Ngoài ra,các triệu chứng của giang mai có thể xuất hiện muộn hơn lúc 3 – 4 hoặc 5 – 6 tuổi. Đó là giang mai bẩm sinh muộn. Các triệu chứng giang mai bẩm sinh muộn thường mang tính chất giống như của giang mai 3.Có thể không có biểu hiện lâm sàng mà chẩn đoán phải dựa vào phản ứng huyết thanh (giang mai kín).Các triệu chứng thường gặp của giang mai bẩm sinh muộn là:
-Viêm mống mắt kẽ xuất hiện lúc dậy thì : nhức mắt, sợ ánh sáng ,có thể dẫn đến mù.
-To đầu gối có nước, không đau xuất hiện lúc 16 – 20 tuổi.
-Điếc cả 2 tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm mống mắt kẽ.
-Thương tổn xương: thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm.
Mỗi người hãy tự ý thức trong việc phòng tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm như quan hệ chung thủy một vợ một chồng, dùng bao cao su khi quan hệ…. Đặc biệt khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bệnh bất thường cần thăm khám,xét nghiệm và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm,đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn mang thai.