Trang chủSức khỏe Mẹ-BéĐi khám hiếm muộn bạn cần lưu ý gì

Đi khám hiếm muộn bạn cần lưu ý gì

Đi khám bệnh (tim, gan, phổi…) thì thấy bình thường rồi. Bạn “hiên ngang” gọi xin sếp và thông báo với bạn bè đồng nghiệp mình đi khám bệnh. Vậy thì chẳng hiểu tại sao khi mình mong con và tìm kiếm sự giúp đỡ – một nguyện vọng rất chính đáng và đáng thông cảm vậy, bạn lại mang nặng một cảm giác “có lỗi”. Ờ thì đúng là lỗi, mà lỗi “tại định mệnh” khiến cho vợ chồng bạn chờ hoài không thấy con, chứ bạn nào có lỗi gì đâu.

Vậy thì, trước hết, bạn cần xác định, khi đi khám hiếm muộn, cũng “bình thường thôi”. Trút bỏ được cái gánh nặng tâm lý, bạn sẽ giảm được phần nào những lo âu không đáng có, hành trình đi tìm hạnh phúc của bạn nó cũng nhẹ nhàng hơn.

Khi nào thì đi khám hiếm muộn?
Khi hai vợ chồng quan hệ thường xuyên (2-3 lần/tuần), không áp dụng các biện pháp ngừa thai nào, sau 1 năm mà vẫn chưa có thai. Nếu vợ > 35 tuổi, thời gian chờ rút ngắn lại là 6 tháng.

Đi khám vào ngày nào là thuận tiện nhất?

Bất kỳ ngày nào đẹp trời, hai vợ chồng không bận rộn gì và có chút ít thời gian để hoàn thành các xét nghiệm chẩn đoán và có thể chờ để được tư vấn kết quả. Trước đây, có thể phải khám khi người vợ vừa mới có kinh (ngày thứ 1- 3 của chu kỳ), nhưng hiện nay, xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng có thể thực hiện bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh và kết quả đánh giá chính xác hơn. Có thể người chồng sẽ được chỉ định thử tinh trùng, vậy nên kiêng quan hệ vợ chồng khoảng 2-5 ngày trước đó để kết quả chính xác.

Cần mang theo những gì?

– Mang theo một tinh thần thoải mái và sẵn sàng chia sẻ những “nỗi niềm riêng”. Một số câu hỏi tế nhị (theo suy nghĩ Á Đông) như “quan hệ bao nhiêu lần/tuần, có xuất tinh được không….” thì cũng nên thẳng thắn trao đổi. Quan trọng nhất là những thông tin này có thể giúp bác sĩ tìm ra vấn đề khiến việc có thai bị cản trở.
– Mang theo tất cả các kết quả xét nghiệm trước đây đã thực hiện ở các cơ sở khám hiếm muộn và phụ khoa (nếu bạn chọn nơi khám mới). Có thể hai vợ chồng sẽ phải thực hiện lại các xét nghiệm nếu lần khám trước của bạn thực hiện >6 tháng.
– Mang theo một ít chuẩn bị về tinh thần. Con đường phía trước có thể mất thời gian – mất tiền bạc – mất nước mắt – mất đi niềm tin. Tỷ lệ có thai cao nhất của thụ tinh trong ống nghiệm là khoảng 50%, tuy nhiên, cuối cùng rồi hầu hết đều có em bé ẳm về nhà nếu kiên trì và đủ nghị lực.
Bác sĩ thường hỏi những gì?

– Đời sống tình dục của hai vợ chồng. Đoạn này chỉ có một lời khuyên duy nhất bằng một câu đọc trong sách viết về bảo tàng sex ở châu Âu “Đừng kỳ thị sex vì sex giúp bạn có mặt trên đời”.
– Bạn có stress không, chu kỳ kinh thế nào, có từng mắc bệnh phải điều trị lâu dài hay từng phẫu thuật gì trước đây hay chưa?
– Bạn từng có thai lần nào chưa? Có nạo phá thai trước đây hay không?
– Thời gian không áp dụng hoặc ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai.
– Không thường lắm với người Việt Nam: hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích… nhưng nếu có cũng cần nói cho bác sĩ biết. Lý do là những “món” này sẽ tác hại nặng nề đến việc thụ thai của hai vợ chồng.
– Một số câu hỏi về những lần điều trị trước nếu có.

Bác sĩ thường cho những loại xét nghiệm nào?

Sẽ không có một bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào. Do đó, tuỳ trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định những xét nghiệm khác nhau. Một số xét nghiệm thường quy có thể thực hiện là:
– Người vợ:
+ Xét nghiệm máu đánh giá dự trữ buồng trứng (xem có nhiều trứng không, chất lượng còn tốt không, có rối loạn nội tiết kiểu buồng trứng đa nang không…)
+ Siêu âm kiểm tra tử cung, buồng trứng và có thể phát hiện vòi trứng ứ dịch trong một số trường hợp, có u xơ tử cung trong tử cung không, có u buồng trứng hay buồng trứng dạng đa nang không…)
+ Chụp HSG: là chụp X quang kiểm tra lòng tử cung và vòi trứng, vì nếu vòi trứng bị tắc 2 bên thì không thể có thai tự nhiên được.
– Người chồng: quan trọng nhất là xét nghiệm tinh trùng (Tinh dịch đồ), nếu đã từng xét nghiệm không thấy tinh trùng, có thể phải xét nghiệm máu và khám Nam khoa chuyên sâu.
Xin lưu ý là không nhất thiết phải thực hiện tất cả các loại xét nghiệm trên, và có thể sẽ phải nhiều hơn thế rất nhiều tuỳ tình trạng bệnh lý. Và, quan trọng là, có khoảng 10% các cặp vợ chồng sau khi nghiêm túc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khảo sát mà không tìm được trục trặc ở chỗ nào – y học gọi là “Vô sinh chưa rõ nguyên nhân”.
Lời khuyên cuối cùng cho những ai trước khi đi khám hiếm muộn là hãy mạnh dạn hỏi hết những thắc mắc và lo âu của bạn, đừng ôm nỗi niềm riêng, không bày tỏ rồi lẳng lặng tìm anh Google. Cái “anh” này đôi khi lừa dối rất ngọt ngào và êm ái. Những gì “ảnh” nói nhiều khi chỉ là “nghe người ta nói” mà thôi

Mọi thắc mắc về vấn đề sức khỏe bạn có thể gọi điện trực tiếp đến tổng đài 19006191 để được tư vấn.

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT