Điều trị HIV đang là mối quan tâm của giới y học trên thế giới.Một trong những biện pháp mới được đề cập đến đó là cấy ghép tế bào gốc.Một phương pháp mới mang lại hy vọng cho những người nhiễm HIV.
Tại Hội nghị Thế giới lần thứ XIX về HIV/AIDS (diễn ra tại Washington, Mỹ), Bs. Daniel Kuritzkes (thuộc Bệnh viện Phụ nữ ở Boston, Mỹ) đã trình bày một báo cáo kết quả nghiên cứu về hai người nam giới nhiễm HIV và sau khi được cấy ghép tế bào gốc thì trong máu của họ không còn tìm thấy HIV nữa, tương tự như trường hợp của ông Timothy Brown người duy nhất trên thế giới được coi là chữa khỏi nhiễm HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ một người có miễn nhiễm tự nhiên với HIV.
Cả hai bệnh nhân này đều đã trải qua việc cấy ghép tế bào gốc (từ bên ngoài) để điều trị bệnh máu trắng sau khi được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) trong vòng 4 năm. Một trong 02 bệnh nhân bị nhiễm HIV từ khi sinh ra. Người còn lại bị nhiễm vi rút này qua quan hệ tình dục từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước và mới được bắt đầu điều trị ARV vào năm 2003 trước khi được cấy ghép tế bào gốc vào năm 2007.
Trước khi thực hiện cấy ghép, cả hai người này đều có tải lượng vi rút ở mức không đo đếm được, nhưng vẫn có HIV dưới dạng “ngủ yên” bên trong các “hầm chứa” là các tế bào CD4. Tuy nhiên, khác với trường hợp của T.Brown, ngay trước khi cấy ghép cả 02 bệnh nhân này đều được điều trị bằng hóa trị liệu nhẹ và tiếp tục được điều trị bằng ARV trong suốt quá trình cấy ghép.
Bs.D. Kuritzkes cho rằng, việc tiếp tục điều trị bằng ARV cho bệnh nhân sau khi cấy ghép đã giúp bảo vệ được các tế bào mới (được cấy ghép) khỏi bị nhiễm HIV, và một khi các tế bào mới được cấy ghép này loại bỏ và thay thế chính các tế bào miễn dịch (cũ) của cơ thể, thì điều đó có nghĩ là chúng ta đã loại bỏ được vi rút.
Nhóm nghiên cứu cho biết, các tế bào được cấy ghép cho T.Brown không có điểm thụ cảm CCR5 (là điểm trên màng tế bào CD4 mà HIV sử dụng để xâm nhập vào bên trong tế bào này), nhưng các tế bào cấy ghép cho 02 bệnh nhân trên lại đều có CCR5 và do vậy đều dễ cảm nhiễm với HIV, nhưng do các bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng ARV trong suốt quá trình cấy ghép nên các tế bào mới được cấy ghép này không bị nhiễm HIV.
Một trong 02 bệnh nhân được theo dõi trong 02 năm, người còn lại được theo dõi trong 3 năm rưỡi. Trong quá trình cả 02 tiếp tục được điều trị bằng ARV không ai trong số họ có dấu hiệu và sự “hiện diện” của HIV trong huyết thanh cũng như trong tế bào CD$T, đồng thời lượng kháng thể kháng HIV của họ cũng giảm đáng kể – dấu hiệu cho thấy không có sự nhân lên của HIV.
Bs.D. Kuritzkes nhận định, điều quan trọng trong các phát hiện của nghiên cứu trên của nhóm ông là ở chỗ, nó cung cấp bằng chứng về việc chúng ta có thể bảo vệ được các tế bào chưa nhiễm HIV khỏi bị nhiễm vi rút này khi các tế bào này được cấy ghép vào cơ thể người nhiễm HIV. Đây chính là một dạng của dự phòng trước khi phơi nhiễm ở cấp độ tế bào.
Kế hoạch nghiên cứu sâu hơn để có thể ứng dụng trên thực tế vẫn còn tiếp tục.
TH