Hội chứng bệnh văn phòng là thuật ngữ dùng để chỉ một loạt những triệu chứng khó chịu khác nhau mà một người trải qua khi làm việc hoặc sinh hoạt trong một tòa nhà hay văn phòng.
Theo Tổ chức Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), Hội chứng bệnh văn phòng được nhận diện dựa theo ba tiêu chí sau:
Các triệu chứng phải liên quan đến việc dành nhiều thời gian sinh hoạt trong một tòa nhà hay phòng ốc.
Khi chủ thể ra khỏi căn phòng hoặc tòa nhà đó, các triệu chứng đó biến mất.
Các triệu chứng tái xuất hiện và biến mất theo những thời điểm nhất định (chẳng hạn do quá nóng hoặc quá lạnh).
Các đồng nghiệp và những người ở chung với chủ thể trong văn phòng hoặc tòa nhà đó cũng mắc phải các triệu chứng tương tự.
Nấm mốc: một trong những nguyên nhân chính của các triệu chứng bệnh văn phòng.
Hội chứng bệnh văn phòng gồm nhiều triệu chứng đa dạng, thường được phân loại là “dị ứng” hoặc “không liên quan đến dị ứng”, “do hóa chất” hoặc “do vi khuẩn” tiêu biểu là:
Nhức đầu; khó chịu ở mắt, mũi và cổ họng; ho khan; da bị ngứa ngáy hoặc phát ban; chóng mặt và nôn ói; mất tập trung; mệt mỏi; nhạy cảm với mùi.
1. Nguyên nhân
Hội chứng bệnh văn phòng có nguyên nhân kết hợp từ nhiều nhân tố khác nhau.
Sau đây là một vài tác nhân nguy hại trong các tòa nhà có thể khiến người sử dụng mắc phải hội chứng bệnh văn phòng:
Khí thải:
Các tòa nhà văn phòng là nơi cư ngụ của nhiều loại khí thải nguy hại phát ra từ hệ thống điều hòa, sưởi ấm hoặc các đồ điện gia dụng không được bảo quản đúng cách. Các loại khí thải độc hại phổ biến gồm có:
Carbon Monoxide (CO): một chất khí gây ngạt vô cùng nguy hiểm. CO còn được mệnh danh là “Sát thủ thầm lặng” bởi nó là một chất khí không màu không mùi. Khi được hít vào cơ thể, CO bám chặt vào các tế bào máu, ngăn chặn sự lưu thông khí ô-xy và khiến cho người hít ngạt thở.
Sulphur Dioxide (SO2): một chất khí không màu có mùi như que diêm bị quẹt cháy, nguy hại đối với hệ hô hấp trong cơ thể người. Việc sống trong môi trường có nhiều SO2 trong thời gian dài có thể gây nghẽn các mạch máu trong phổi, làm tăng dịch nhầy và gây khó thở cho người hít.
Nitrogen Dioxide (NO2): một chất khí nguy hại khác được sinh ra từ các hoạt động đốt nhiên liệu. Nồng độ NO2 cao trong không khí có thể gây tử vong, trong khi nồng độ thấp sẽ tác động tiêu cực lên phổi giống như SO2. Việc tiếp xúc với NO2 trong thời gian dài có thể làm hủy hoại dần các mô tế bào phổi, dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm như cảm cúm, khí thũng và viêm phổi.
Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi:
Phần lớn các tòa nhà hiện nay được làm từ những vật liệu xây dựng có chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi ở nhiệt độ thông thường. Với một liều lượng nhất định trong không khí, các hợp chất này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người như gây khó chịu ở mắt, mũi, cổ họng, gây khó thở và làm tăng nguy cơ ung thư về lâu dài. Một trong những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phổ biến nhất trong các tòa nhà chính là formaldehyde – một chất khí độc đối với hệ hô hấp kiêm tác nhân gây ung thư ở người.
Việc sử dụng thảm lót sàn trong nhiều tòa nhà cũng là một nguyên nhân gây ra hội chứng bệnh văn phòng. Thảm lót sàn là nguồn phát sinh của nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi gây ảnh hưởng đến sức khỏe như: acetone, toluene, xylene, formaldehyde và benzene. Đây đều là những chất khiến cho người sử dụng khó chịu, khó thở, và gây ra nhiều triệu chứng về mặt thần kinh. Vài chất trong đó cũng đồng thời là tác nhân gây ung thư về lâu dài.
Các lớp phủ trong nhà như sơn và véc-ni cũng là những nhân tố làm tăng lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong môi trường văn phòng. Mùi sơn mới nồng nặc chính là biểu hiện của hợp chất hữu cơ dễ bay hơi nồng độ cao dưới dạng dung môi hoặc chất kết dính. Hầu hết các loại sơn tường nhà có gốc dầu hiện nay đều có thành phần chính là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Theo khảo sát của EPA, 9% lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại trong không khí phát xuất từ sơn tường, véc-ni và các lớp sơn phủ khác trong các công trình cũng như trên các sản phẩm gia dụng. Nhiều chất trong đây thậm chí đã bị luật pháp hạn chế hoặc cấm sử dụng bởi độc tính cao của chúng.
Ngoài ra, các sản phẩm hoặc vật dụng có nguồn gốc hóa chất cũng là một nguồn phát sinh hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong nhà, chẳng hạn như nước lau nhà, bút dạ và mực máy in – những vật dụng thường thấy trong công sở cũng như trường học.
Kim loại độc hại:
Mặc dù ngành công nghệ vật liệu đang nỗ lực hạn chế việc sử dụng kim loại nặng trong các công trình xây dựng suốt nhiều thập kỷ qua, nhiều công trình cũng như nhà ở trên thế giới hiện nay vẫn còn được dựng lên bằng các loại vật liệu độc hại với cơ thể người. Hai loại kim loại độc hại vẫn còn phổ biến trong các công trình xây dựng thời nay là chì và thủy ngân. Các loại sơn có chứa chì vẫn còn được sử dụng nhiều trong xây dựng, và kể cả khi tòa nhà bị cải tạo hay đập bỏ, các hợp chất ô nhiễm liên quan đến chì vẫn tồn tại và phát tán trong không khí. Tương tự như thủy ngân, việc tiếp xúc lâu dài với chì có thể gây tác động tiêu cực lên hệ thần kinh và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Ô nhiễm sinh học:
Nấm mốc: một trong những nguyên nhân chính của các triệu chứng bệnh văn phòng. Nấm mốc sinh trưởng mạnh trong những môi trường ẩm thấp với nhiệt độ ấm. Nếu môi trường nơi làm việc của bạn quá ẩm ướt, có nước rò rỉ hoặc tù đọng, sự xuất hiện của các loại nấm mốc độc hại là khó tránh khỏi.
Vi sinh vật: nhân tố nguy hại phổ biến nhất trong các tòa nhà, đặc biệt ở những nơi công cộng có lưu lượng người sử dụng đông đúc như trường học và công sở. Các loại virút và vi khuẩn cũng là nguyên nhân phổ biến của Hội chứng bệnh văn phòng, và khả năng sinh trưởng của chúng cũng phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ và độ ẩm môi trường.
Mạt bụi nhà: loài vật có khả năng gây dị ứng nghiêm trọng, thường trú ngụ trong thảm, giường ngủ, đồ nội thất bằng vải và nhiều ngóc ngách khác trong công trình. Tương tự như vi sinh vật và nấm mốc, mạt bụi nhà ưa thích những nơi ẩm thấp và có nhiệt độ nóng ấm, do vậy mà chúng rất dễ sinh trưởng trong nhà.
Phấn hoa: từ một số loại thực vật nhất định lọt vào trong nhà có thể gây nguy hiểm cho những người có cơ địa dị ứng tương thích.
Xác côn trùng chết: nhiều người mắc phải hội chứng bệnh văn phòng đơn giản do dị ứng với xác gián.
Ngoài ra còn có một số nhân tố khác dẫn đến hội chứng bệnh văn phòng: stress, đèn huỳnh quang, tiếng ồn, độ ẩm…
2. Khắc phục hội chứng bệnh văn phòng
Nếu bạn đang sống hoặc làm việc với nhiều người khác trong cùng một tòa nhà hay văn phòng, và cả bạn và họ đều đang phải chịu đựng những vấn đề sức khỏe tương tự nhau do thường xuyên ở trong đó, nhiều khả năng bạn đang là bệnh nhân của hội chứng bệnh văn phòng. Khi đó, bạn cần phải báo với người chủ nhà, người quản lý tòa nhà hoặc những người có trách nhiệm đối với sự an toàn của tòa nhà, yêu cầu họ kiểm tra và cải thiện chất lượng tòa nhà hoặc văn phòng. Nếu họ không chịu hợp tác, bạn nên liên lạc với chính quyển địa phương hoặc một tổ chức bảo vệ môi trường có uy tín để trình báo vấn đề.
Cách phòng ngừa chủ động nhất đối với Hội chứng bệnh văn phòng chính là bảo quản và giữ vệ sinh sạch sẽ văn phòng, nơi làm việc hoặc sinh hoạt của mỗi người. Thường xuyên quét sạch bụi bẩn và côn trùng, lau dọn phòng ốc và để nhiệt độ điều hòa vừa phải nhằm hạn chế sự sinh trưởng của nấm mốc và vi sinh vật. Hệ thống thông hơi và thông gió cần phải được thiết kế, vận hành và bảo quản đúng cách để luôn hoạt động hiệu quả. Các văn phòng cần được thường xuyên kiểm tra, sửa chữa những chỗ rò rỉ nước và làm sạch những nơi ẩm thấp để phòng tránh nấm mốc và côn trùng. Việc sử dụng hóa chất, nước lau sàn, nước lau kính cũng như các loại thuốc xịt côn trùng cần được quản lý và đảm bảo trong phạm vi an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Bệnh văn phòng có rất nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do môi trường ô nhiễm. Vì vậy, vấn đề vệ sinh sạch sẽ môi trường làm việc là vô cùng cần thiết để phòng ngừa hội chứng bệnh văn phòng.
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.
[…] Nghề này thường phải ngồi nhiều, thường xuyên làm việc với máy tính nên lười hoạt động thể lực. Những người làm việc ở văn phòng nên chú ý rèn luyện sức khỏe vì họ phải đối mặt với áp lực công việc luôn ức chế thần kinh, công việc nhàm chán… dẫn tới ức chế trung tâm sinh dục vùng dưới đồi và gây ra các bệnh văn phòng. […]