Một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người nói chung và người nhiễm HIV nói riêng là sinh con. Chính vì lý do đó nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng y tế cần trợ giúp và tư vấn cho những cặp vợ chồng nhiễm HIV để dự phòng phơi nhiễm HIV cho con. Để tránh tình trạng đứa trể sinh ra không đảm bảo sức khỏe hoặc trở thành gánh nặng cho xã hội cần có sự can thiệp của hỗ trợ sinh sản.
-
Các phương pháp hỗ trợ
Lọc rửa tinh trùng tạo điều kiện cho việc bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung có khả năng thụ tinh cao hơn và tránh được phản ứng miễn dịch ở cổ tử cung. Có thể lọc rửa một mẫu tinh dịch hoặc có thể tích lũy nhiều lần xuất tinh của những bệnh nhân có tinh trùng yếu và ít để rửa, sàng lọc rồi bơm vào tử cung (phương pháp IUI) cho các cặp hiếm muộn. Tuy nhiên tại cuộc hội thảo dự thảo về luật HN&GĐ, bà Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên phó vụ trưởng vụ pháp chế bộ Y tế đề xuất việc hỗ trợ cho những cặp vợ chồng có chồng nhiễm HIV được phép có con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (lọc rửa tinh trùng).
HIV có thể lây nhiễm từ mẹ sang con, trước đây việc có thai và sinh đẻ của người nhiễm HIV bị ngăn cản. Tuy nhiên với những hiểu biết và tiến bộ của khoa học y học hiện đại, người nhiễm HIV vẫn có thể tiếp tục sống một cuộc sống khỏe mạnh trong một thời gian dài. Y học hiện nay có thể xem HIV như là bệnh mãn tính có thể kiểm soát được. Đặc biệt đàn ông nhiễm HIV có thể sinh con an toàn, nếu tinh trùng của họ được lọc rửa, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm thành phôi rồi cấy vào cơ thể người vợ.
Theo bà Trịnh Thị Lê Trâm, cho hay: Nhu cầu có con ở người nhiễm HIV có khi còn bức thiết hơn cả người khỏe mạnh bình thường. Đối với một số người nhiễm HIV, việc có con là mục đích duy nhất để họ tiếp tục sống có ích. Hơn nữa, đó là nguyện vọng chính đáng của những người phụ nữ bình thường nhưng có chồng nhiễm HIV. Thế nhưng, do ngành y tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các cơ sở y tế không dám thực hiện.
Ngành y tế cần tôn trọng quyền và mong muốn có con của các cặp vợ chồng nhiễm HIV. Thiết nghĩ, nên để các cặp vợ chồng tự quyết định nên có con hay không sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe và nguy cơ lây nhiễm.
Mặt khác, với các hiểu biết và tiến bộ của khoa học và y học về HIV/AIDS, người nhiễm HIV hiện có thể tiếp tục sống một cuộc sống khỏe mạnh trong một thời gian dài. Về mặt xã hội, hầu hết các nước trên thế giới đều thực thi hoặc kêu gọi việc tránh phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và tạo điều kiện cho họ có thể sống và làm việc như người bình thường. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế không thực hiện thụ tinh bên ngoài cho những cặp vợ chồng này, khiến họ phải ra nước ngoài thực hiện, rất tốn kém.
Tuy nhiên, bà Trâm cũng nhấn mạnh, hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp lọc rửa tinh trùng chỉ áp dụng đối với những cặp vợ chồng có chồng bị nhiễm HIV, vợ không nhiễm HIV.
2. Cần có hành lang pháp lý cụ thể
Là người thường tiếp xúc, hỗ trợ tư vấn đối với những người nhiễm HIV, luật sư Trịnh Quang Chiến, Trưởng phòng tư vấn miễn phí cho những người nhiễm HIV/SIDA Hà Nội cho hay: “Thực tiễn cho thấy, những người nhiễm HIV nếu được điều trị kịp thời, họ vẫn có một cuộc sống kéo dài và khỏe mạnh. Tôi làm việc cùng với người nhiễm HIV đã 15 năm nay, hiện tại họ vẫn sống khỏe mạnh bình thường, tích cực tham gia công tác xã hội, thậm chí là sinh con. Tuy nhiên họ là những người phát hiện sớm và được điều trị kịp thời”.
Theo khảo sát của một số chuyên gia y tế về phòng chống HIV/SIDA cho hay, HIV là một bệnh lý mạn tính có thể kiểm soát và bệnh nhân duy trì một cuộc sống bình thường lành mạnh. Sau khi phát hiện bị nhiễm bệnh, với các thuốc kháng virút hiệu quả, kỹ thuật chẩn đoán và định lượng HIV, nguy cơ lây nhiễm từ người chồng sang người vợ có thể được kiểm soát.
Do đó nếu những cặp vợ chồng nhiễm HIV muốn sinh con cần đến trung tâm y tế để được tư vấn về sinh con an toàn. Một trong những phương pháp như uống thuốc kháng virút, kết hợp với kỹ thuật xử lý tinh trùng và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác nhau để giúp người vợ có thai, khả năng lây nhiễm từ người chồng sang người vợ gần như bị loại trừ.
“Theo quan điểm của tôi, nhu cầu có con là nguyện vọng chính đáng của bất cứ gia đình nào. Tuy nhiên trong trường hợp họ là những người nhiễm virút HIV mong muốn có con thì cần có hành lang pháp lý, cụ thể ngành y tế cần giúp đỡ họ”, ông Chiến chia sẻ.
Hiện luật Phòng chống HIV/AIDS và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam không cấm người nhiễm HIV sinh con (nhưng cũng không khuyến khích). Tuy nhiên đối với những cặp vợ chồng kiên quyết muốn sinh con thì phương pháp lọc rửa tinh trùng sẽ giảm nguy cơ cho đứa con của họ. Để tiến hành biện pháp này người vợ phải có kết quả âm tính khi xét nghiệm HIV, hai người có dùng bao cao su trong tất cả các lần quan hệ tình dục.
Để có con một cách an toàn và khỏe mạnh, các cặp vợ chồng bị nhiễm HIV cần đến các cơ sở y tế, nơi có nhân viên y tế cần tư vấn cho các cặp vợ chồng về vấn đề sinh sản, khả năng thành công chi phí điều trị, lợi ích của đứa trẻ và nguy cơ có thể xảy ra. Điều cần lưu ý nhất là trong điều kiện nào cũng nên tới bệnh viện khám và theo dõi sức khỏe theo đúng chỉ định của bác sỹ, bởi nếu có những rủi ro, bệnh viện sẽ hỗ trợ trực tiếp và can thiệp kịp thời.
Không thể an toàn 100%
Trao đổi với PV, PGS.TS. Quản Hoàng Lâm, giám đốc Trung tâm công nghệ phôi, học viện Quân y 103, Hà Đông Hà Nội cho biết: “Tinh trùng sau khi được lọc rửa, sẽ tách riêng tinh trùng khỏe và các tinh trùng chết, yếu, dị dạng và tinh tương về một phía. Virus HIV nếu có trong tinh tương cũng sẽ bị tách ra khỏi tinh trùng. Tuy nhiên, nếu virus HIV tồn tại trong chính tế bào tinh trùng chứ không phải ở tinh tương thì việc lọc rửa cũng vô ích. Do đó việc lọc rửa tinh trùng ở những người nhiễm HIV không ai dám khẳng định 100% là tinh trùng an toàn, không mang virút nhiễm HIV”. |
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.