Lồng ruột là bệnh lý ngoại khoa, thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh khó chẩn đoán cho trẻ vì bệnh nhi không có phản ứng rõ ràng, nên việc phát hiện có thể sẽ bị muộn và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
- Lồng ruột là gì?
Bệnh lồng ruột ở trẻ em là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột. Đây là chứng bệnh trong đó một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Khi chui vào kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào theo, hậu quả là tạo nên sự thắt nghẹt các mạch máu, gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời lồng ruột ở trẻ em sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột và gây nên viêm phúc mạc.
1. Tại sao trẻ nhỏ hay bị lồng ruột?
- Có khối u hay polip ruột: các yếu tố này gây thay đổi nhu động ruột dẫn đến các đoạn ruột chui vào nhau.
- Viêm nhiễm ở ruột là một yếu tố thuận lợi gây lồng ruột.
- Trẻ bị rotavirus có khả năng bị lồng ruột cao hơn các trẻ khác.
- Trẻ có tiền sử bị lồng ruột.
- Dấu hiệu nhận biết lồng ruột ở trẻ
Trẻ thường có những biểu hiện đột ngột:
- Trẻ khóc thét từng cơn vì đau bụng, trẻ ưỡn bụng
- Nôn mửa. Trẻ có thể mất nước, khát nước do nôn trớ nhiều.
- Bỏ bú, bú kém hoặc không muốn ăn.
- Bụng trướng căng.
- Đại tiện phân máu lẫn nhầy hoặc toàn máu tươi.
- Đôi khi trẻ có hiện tượng sốt, trường hợp nặng thậm chí có thể hôn mê.
- Các triệu chứng có thể dịu bớt nhưng sau đấy trẻ có thể có các biểu hiện nặng hơn: trẻ la hét, khóc thét từng cơn sau đó mệt lả, da xanh tái, tiểu ít, mất nước, li bì, sốt cao hoặc có thể có các biểu hiện của nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sốc.
Phương pháp điều trị lồng ruột ở trẻ
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, bệnh chỉ xảy ra tạm thời và có thể tự hết. Khi trẻ lớn lên, nguy cơ tái phát bệnh sẽ giảm. Hầu hết sự tái phát bệnh diễn ra trong vòng 24 tiếng đầu tiên sau khi chữa trị. Bác sĩ xử trí bằng cách gỡ chỗ tắc bằng cách bơm hơi vào đường tiêu hóa nếu trẻ đến trong giai đoạn sớm của bệnh, nếu phương pháp này thất bại thì sẽ tiến hành phẫu thuật tháo hoặc cắt đoạn ruột bị lồng và dùng kháng sinh để trị nhiễm trùng. Ngoài ra còn có thể đặt ống thông mũi – dạ dày để giúp giảm áp lực trong ruột non.
Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột và xử trí, tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.