Các thuốc chống đông máu dùng trên bệnh nhân có bệnh mạch vành như con dao hai lưỡi, bên cạnh lợi ích thì cũng gây ra nhiều nguy cơ đặc biệt là biến chứng chảy máu. Trong các nhóm thuốc chống đông máu thì các thuốc thuộc nhóm kháng vitamin K lại có nguy cơ tương tác với nhiều loại thuốc và thức ăn. Sau đây là một số lưu ý về chế độ ăn uống sinh hoạt khi dùng các thuốc chống đông nói chung.
1. Hạn chế các thực phẩm giàu vitamin K
Các thực phẩm hay thuốc bổ có chứa vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông. Do đó cần hạn chế sử dụng các loại này.
Những loại thực phẩm giàu vitamin K gồm: Trái bơ, sữa đậu nành, các loại rau xanh, củ quả có nhiều màu xanh: Rau dền, cải lá xoăn, rau bó xôi, rau xà lách xanh, ngò tay, rau diếp, rau muống, rau lang, măng tây, cải thảo, súp lơ xanh, đậu bắp, đậu Hà Lan, hành, kinh giới, bạc hà, húng tây, húng quế, cần tây, rau mùi…
Các loại thuốc bổ vitamin có thành phần vitamin K hoặc thực phẩm chức năng, thảo dược có chứa vitamin K, dầu cá, Ginkgo, Co-Enzyme Q10, dầu lanh, nhân sâm… cũng nên hạn chế.
Nên hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu vitamin K trong khi dùng thuốc chống đông
2. Tránh rượu bia, thuốc lá
Rượu bia, thuốc lá cũng là những nguy cơ của bệnh mạch vành, do đó bệnh nhân nên bỏ hoặc ít nhất là không uống nhiều rượu bia (tối đa 2 cốc/ngày).
3. Tránh tự ý dùng thuốc
Một số thuốc có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, tăng nguy cơ chảy máu bao gồm: Amiodaron, các loại kháng sinh, paracetamol, ibuprofen, aspirin và các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid khác, Ranitidin… Do đó, cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc khác trong khi đang điều trị thuốc chống đông.
4. Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu
– Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu chấn thương, ngã, tai nạn, đặc biệt là tai nạn ở vùng đầu.
– Đặc biệt cẩn thận với các dụng cụ có thể gây chảy máu như dao, kéo, dao cạo râu, máy móc công nghiệp…
– Tránh những môn thể thao dễ gây tổn thương như bóng đá, võ thuật, đấm bốc…
– Khi tiêm chủng chỉ nên tiêm dưới da, tránh tiêm bắp vì có thể gây thâm tím tại nơi tiêm.
– Khi làm bất kỳ một phẫu thuật hay thủ thuật nào (ví dụ như nhổ răng), cần phải thông báo cho bác sĩ biết bạn đang dùng thuốc chống đông và thường phải ngưng thuốc vài ngày trước khi thực hiện phẫu thuật.