Nghiến răng (bruxism) là hoạt động nghiến hay siết chặt 2 hàm răng lại với nhau mà không có chủ đích do sự co cơ của hệ thống nhai. Đây là một bệnh khá phổ biến xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, chiếm tỉ lệ khoảng 8% cộng đồng. Hiện tượng này thường xảy ra khi ngủ và có khi xảy ra cả khi thức.
1. Định nghĩa
Nghiến răng là sự nghiến hoặc siết chặt các răng một cách quá mức, thường diễn ra khi ngủ (không có ý thức), có thể phát ra tiếng ken két.
2. Nguyên nhân gây nghiến răng
- Người hay lo lắng
- Liên kết bất thường của khớp cắn sai lệch.
- Thay đổi xảy ra trong chu kỳ giấc ngủ.
- Đáp ứng đau từ đau tai hoặc mọc răng.
- Tăng trưởng và phát triển của hàm và răng.
- Biến chứng do rối loạn, chẳng hạn như bệnh Huntington, bệnh Parkinson.
- Một tác dụng phụ hiếm gặp của một số thuốc tâm thần, bao gồm thuốc chống trầm cảm nhất định.
3. Phát hiện triệu chứng của nghiến răng
Do lực sử dụng trong động tác này lớn gấp nhiều lần lực phát sinh khi nhai nên tật nghiến răng không chỉ tạo ra âm thanh khó chịu cho người xung quanh mà còn gây mòn răng. Răng sẽ bị mất hết lớp men, lộ ra lớp ngà vàng hơn, bị ê buốt, nứt gãy các múi răng, lung lay hoặc rụng. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm hư hỏng các phục hồi nha khoa như làm gãy, sứt miếng hàn, gãy các hàm giả tháo lắp hoặc cố định. Việc răng bị mòn sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt, làm bệnh nhân trông già hơn.
Do các cơ hàm bị co thắt trong suốt thời gian nghiến, người bệnh có thể bị mỏi, đau các cơ, đau đầu, cổ. Các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông (do phì đại cơ cắn ở cả hai bên), rối loạn khớp thái dương-hàm. Các dấu hiệu đầu tiên thường thấy là khó chịu hoặc đau ở khớp, há miệng khó, có tiếng kêu lụp cụp khi há miệng hoặc khi đang nhai. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bệnh nghiến răng trên cơ và khớp thái dương- hàm thường không được bệnh nhân phát hiện một cách dễ dàng.
4. Điều trị nghiến răng
* Điều trị bằng thuốc
Thuốc được sử dụng trong điều trị nghiến răng là thuốc uống, thuốc thoa, hoặc thuốc chích. Thuốc uống là loại thuốc có tác dụng giảm lo âu như buspirone, thường sử dụng trong trường hợp nghiến răng là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Những trường hợp nghiến răng khác không nên sử dụng thuốc này.
Thuốc chích là thuốc có tác dụng làm liệt cơ: Botox ( thường sử dụng trong thẩm mỹ). Thuốc này được sử dụng chích vào cơ cắn có tác dụng trong vòng 4-6 tháng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là giải pháp khá hiệu quả trong nhiều trường hợp, như sau chấn thương, lạm dụng amphetamine
Thuốc thoa là hỗn hợp gồm các thuốc giãn cơ, kháng viêm, an thần với thành phần chính cyclobezaprin, có tác dụng làm giảm co thắt cơ, kết hợp cới kháng viêm loại nosteroig cùng với an thần là diazepam. Thuốc này được thử nghiệm có tác dụng tốt trong nhiều trường hợp.
* Điều trị khí cụ miệng ( máng nhai)
Điều trị máng nhai đã được thực hiện từ lâu với những hiệu quả được chứng minh trên lâm sàng. Mục đích của máng nhai nhằm làm giảm khă năng mòn răng, gãy nứt răng do nghiến răng gây ra. Đồng thời, cũng làm giảm tình trạng co thắt của các cơ nhai. Việc điều trị nghiến răng bằng máng nhai đòi hỏi phải đeo máng nhai trong một thời gian dài. Và khi không đeo máng nhai , người ta thấy nghiến răng xuất hiện trở lại. Cho đến nay máng nhai vẫn là phương pháp chính trong điều trị nghiến răng trên thế giới. Tuy nhiên không phải máng nhai hiệu quả trong tất cả các trường hợp nghiến răng.
* Liệu pháp tâm lí
Ngoài ra giảm căng thẳng, thay đổi cách sống, tập yoga là một trong những cách khắc phục có hiệu quả trong điều trị nghiến răng.
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.