Trang chủTIM MẠCHNgười cao huyết áp cần thận trọng với những thuốc này

Người cao huyết áp cần thận trọng với những thuốc này

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng huyết áp như: hút thuốc lá, béo phì, ăn nhiều muối, ít hoạt động thể lực, tuổi cao, gia đình có tiền sử tăng huyết áp. Một yếu tố ít gặp nhưng nguy hiểm là do sử dụng các thuốc có thể gây tăng huyết áp hoặc làm nặng thêm tình trạng cao huyết áp ở người bệnh.

Người bị cao huyết áp mà dùng các loại thuốc này thì 'chết chắc ...

Nhiều loại thuốc làm tăng huyết áp hoặc nặng thêm tình trạng tăng huyết áp

  • Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs)

Các thuốc giảm đau này có thể làm tăng huyết áp lên khoảng 3-5 mmHg. Tăng huyết áp do NSAIDs thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn. Ngoài ra các NSAIDs còn làm giảm hiệu quả các thuốc điều trị tăng huyết áp. Các NSAIDs có nguy cơ cao gây tăng huyết áp như: piroxicam, indomethacin, ibuprofen, naproxen.

  • Các corticoid

Mức độ tăng huyết áp phụ thuộc vào liều, thường gặp phải khi điều trị ngắn hạn. Điều này có thể nhận thấy khi dùng thuốc theo bất cứ đường dùng nào, kể cả dùng ngoài da. Một số glucocorticoid có thể làm huyết áp tăng lên như: hydrocortisol, cortison, prednisolon, methylprednisolon… Các mineralocorticoid có tác dụng trực tiếp gây co mạch, làm tăng huyết áp như fludrocortison…

  • Các thuốc tránh thai

Các thuốc tránh thai chứa estrogen làm tăng huyết áp lên 8 mmHg, xảy ra khoảng 5% phụ nữ dùng thuốc tránh thai. Có khoảng 1% những trường hợp dùng thuốc có tăng huyết áp nặng. Huyết áp trở lại mức bình thường sau khi ngừng dùng thuốc vài tuần. Viên thuốc tránh thai chỉ chứa progesteron thì không gây tăng huyết áp.

  • Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc IMAO gây tăng huyết áp cấp cứu khi dùng cùng với các thực phẩm chứa tyramin (pho mát, thịt xông khói, cá ướp muối). Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây tăng huyết áp lên khoảng 8 mmHg. Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin tác động lên mức huyết áp khác nhau tùy từng thuốc, ví dụ venlafaxin, milnacipran có nguy cơ gây tăng huyết áp đáng kể. Hầu hết các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin ít gây tăng huyết áp.

  • Các thuốc giống giao cảm

Ephedrin, pseudoephedrin, norpseudoephedrin, methylephedrin và norephedrin (phenyl propanolamin) đều có tác dụng chống giao cảm. Phenylephdrin và pseudoephedrin được dùng chống xung huyết tại chỗ niêm mạc mũi, và gây co mạch, chống ngạt mũi. Dùng tại chỗ với liều cao hay dùng toàn thân có thể gây tăng huyết áp.

  • Các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương

Các thuốc cocain gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp cấp, tác động phụ thuộc liều. Các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương như dexamphetamin và methyl phenidat có tác dụng giống giao cảm, hay được dùng trong các chứng tăng động giảm chú ý hay gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới xuất huyết nội sọ, co thắt động mạch và thiếu máu cục bộ cơ tim.

  • Rượu

Cơ chế gây tăng huyết áp có thể là kích thích hệ giao cảm, hoạt hóa hệ renin- angiotensin- aldosteron (RAAS). Vì vậy những bệnh nhân cao huyết áp nên tránh xa rượu bia.

  • Erythropoietin

Cơ chế có thể liên quan đến kích thích hệ RAAS, giảm hình thành NO, tăng độ nhớt máu và thông qua canxi.

  • Các thuốc gây co mạch trực tiếp

Thuốc ức chế calcineurin như cyclosporin có thể gây tăng huyết áp do giảm NO là một chất giãn mạch.

Thuốc ức chế yếu tố tăng sinh nội mạch tăng huyết áp ở 20% bệnh nhân điều trị, 6% xảy ra ở mức độ trầm trọng.

  • Các thuốc điều biến miễn dịch

Leflunomid và infliximab dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp có thể gây tăng huyết áp tới 30% trường hợp hoặc làm nặng thêm bệnh tăng huyết áp đã có từ trước.

  • Các alkaloid của cựa lúa mạch

Các alkaloid cựa lúa mạch vẫn còn được sử dụng trong điều trị đau nửa đầu (migrain), nhưng với liều dùng thấp để tránh các tác dụng phụ, chủ yếu là co thắt mạch ngoại vi, nhưng cũng gặp những trường hợp tăng huyết áp.

  • Một số dược liệu

Ma hoàng dùng để giảm cân có chứa các alkaloid, là nguyên liệu tự nhiên để chiết xuất ephedrin. Chất này có tác dụng trên tim và có thể gây tăng huyết áp.

Rễ cây ba gạc có tác dụng cường dương, hạ cholesterol máu nhưng có thể làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim.

Như vậy, có nhiều loại thuốc có thể gây nặng thêm tình trạng tăng huyết áp. Do đó, người bệnh đặc biệt là người đã có sẵn bệnh lý tăng huyết áp cần sử dụng thuốc thận trọng và tư vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn từ các chuyên gia y tế!

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT