Nhiễm trùng đường tiểu hay còn gọi là nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đường tiết niệu không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
1. Nhiễm trùng đường tiểu là gì?
Nhiễm trùng đường tiểu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo do vi khuẩn gây nên.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm khuẩn đường tiểu là do nhiễm khuẩn, phần lớn là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) gây nên. Khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể xâm nhập vào hệ tiết niệu thông qua niệu đạo. Ngoài ra, nhiễm khuẩn đường tiểu còn có thể do một số loại vi khuẩn khác hoặc do nấm gây ra.
Nguyên nhân chính gây viêm tiết niệu là do vi khuẩn
2. Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu?
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, bao gồm:
– Giới tính: Phụ nữ thường mắc nhiễm trùng đường tiểu hơn nam giới, vì niệu đạo của phụ nữ gần hậu môn hơn và ngắn hơn của nam giới nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường tiểu hơn.
– Bất thường về giải phẫu của đường tiết niệu: ở những người có bất thường của hệ tiết niệu làm cho nước tiểu không thải ra ngoài bình thường mà hay bị ứ lại trong đường tiểu, tạo điều kiện thuận lợi gây nên các viêm nhiễm
– Đường tiểu bị tắc nghẽn: khi bị sỏi hoặc phì đại tiền liệt tuyến có thể làm nước tiểu bị ứ lại trong bàng quang.
– Phụ nữ mãn kinh: sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm bạn dễ nhạy cảm với nhiễm trùng hơn
– Người bị suy giảm miễn dịch: ở những bệnh nhân tiểu đường và các bệnh lý khác gây suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
– Quan hệ tình dục không an toàn
– Đặt ống thông tiểu
3. Triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiểu là gì?
Triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiểu bao gồm: Tiểu buốt, tiểu rát, cảm giác tiểu nóng, tiểu rắt, nước tiểu đục, nước tiểu có mùi hôi, có mủ hoặc có máu
Ngoài ra, tùy vào cơ quan bị nhiễm trùng mà có các triệu chứng riêng như: Nếu thận bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể có biểu hiện sốt, buồn nôn, nôn mửa, hay run rẩy hoặc đau lưng. Nếu bàng quang bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ thấy đau tức bụng dưới, thường xuyên đi tiểu nhưng tiểu buốt và ra máu. Nếu niệu đạo bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ đi tiểu buốt và có dịch tiết ra từ niệu đạo.
4. Điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu như thế nào?
Điều trị kháng sinh là liệu pháp chính trong điều trị nhiễm khuẩn đường niệu. Trong trường hợp bệnh nhân chỉ có các triệu chứng khu trú do viêm niệu đạo thì bác sĩ thường chỉ định kháng sinh đường uống trong 5 đến 7 ngày. Nếu người bệnh có sốt, ớn lạnh, có kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn đường niệu trên thì cần phải nhập viện để dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.
5. Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường niệu như thế nào?
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường niệu bạn cần:
– Uống đủ nước mỗi ngày: mỗi ngày bạn nên uống 2-2,5 lít nước sẽ giúp thận tăng bài tiết nước tiểu và tăng đưa vi khuẩn ra ngoài, từ đó sẽ giúp hạn chế bị các viêm nhiễm đường niệu.
– Luôn vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục
– Giữ vùng kín khô ráo bằng cách mặc đồ lót bằng vải cotton và quần áo rộng rãi. Tránh làm cho vùng kín ẩm ướt tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.
– Không nên nhịn đi tiểu: Hãy đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu.