Trang chủSức khỏe Mẹ-BéRối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt

Ở tuổi dậy thì chu kỳ kinh thường không đều, khi dài khi ngắn hoặc vô kinh hoặc rong kinh. Nguyên nhân là do vòng kinh không có rụng trứng vì sự điều chỉnh nội tiết của vỏ não xuống buồng trứng hay sự hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Khi đến tuổi trưởng thành, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ được cải thiện vì hệ thống điều chỉnh nội tiết từ vỏ não xuống buồng trứng đã hoàn chỉnh.

Kinh nguyệt rối loạn gây nên sự mệt mỏi ở chị em
Kinh nguyệt rối loạn gây nên sự mệt mỏi ở chị em

Ở phụ nữ lứa tuổi tiền mãn kinh, biểu hiện rối loạn kinh nguyệt tương tự như trên do vòng kinh cũng không có rụng trứng.
Ở lứa tuổi sinh đẻ, rong kinh rong huyết có thể do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân có liên quan đến thai nghén như dọa sẩy thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai sót nhau, thai trứng, thai chết lưu. Nguyên nhân không liên quan đến thai như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung. Đây là những bệnh lý có thể xảy ra cả ở lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.
Rong kinh, rong huyết không phải chỉ do nguyên nhân thực thể vừa kể trên mà còn có thể do yếu tố tâm lý như trong trường hợp người bị stress, học sinh căng thẳng trong mùa thi cử. Họ có thể bị vô kinh nhiều tháng hoặc có kinh kéo dài. Rong kinh, rong huyết còn có thể do bệnh nhân sử dụng thuốc nội tiết không đúng cách. Những thuốc nội tiết thường dùng là thuốc tránh thai nhất là loại thuốc tránh thai sau giao hợp. Nếu lạm dụng thuốc này thì dễ bị ra huyết bất thường sau khi uống thuốc và kinh nguyệt sẽ không có chu kỳ rõ ràng. Thêm vào đó, dụng cụ tử cung, thuốc nội tiết thay thế dành cho lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, viêm nhiễm sinh dục cũng có thể dẫn đến tình trạng ra huyết âm đạo bất thường.
Vô kinh nguyên phát có thể là do dị tật sinh dục bẩm sinh như: không có tử cung, không có âm đạo, buồng trứng không phát triển, màng trinh bít kín. Suy buồng trứng sớm, dính buồng tử cung sau nạo hút thai, rối loạn nội tiết có thể dẫn đến vô kinh thứ phát. Vô kinh sinh lý là do tình trạng mãn kinh khi buồng trứng đã ngưng hoạt động. Tuổi mãn kinh trung bình vào khoảng 45 – 50 tuổi.

Rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của phụ nữ?

lứa tuổi dậy thì, bé gái thường vô kinh nhiều tháng, sau đó có kinh lại thì kinh kéo dài. Trường hợp bị rong kinh, mỗi ngày người bệnh thấy có xuất huyết âm đạo không nhiều, có khi không ướt hết một băng vệ sinh nhỏ mà chỉ là một chút máu đen. Nhưng nếu ra huyết kéo dài nhiều tháng thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, đôi khi phải truyền máu. Thiếu máu sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ gái, ảnh hưởng đến sự học hành đồng thời sẽ có triệu chứng suy nhược cơ thể đi kèm theo. Đối với người trong lứa tuổi sanh đẻ mà vòng kinh không rụng trứng thường dễ bị hiếm muộn.

Điều trị rối loạn kinh nguyệt như thế nào?

Sau khi đến các cơ sở y tế để được khám phụ khoa, chị em sẽ được điều trị bằng những phương pháp tùy theo nguyên nhân bệnh. Chị em tuyệt đối không nên nghe theo sự mách bảo của người khác để tự mua thuốc chữa trị , vì nếu điều trị không đúng bệnh thì bệnh không khỏi mà còn nặng thêm do kéo dài thời gian dùng thuốc vô ích, nhất là đối với những loại thuốc nội tiết. Đây là nhũng loại thuốc nhất thiết phải được bác sĩ tham vấn cách sử dụng và theo dõi khi sử dụng thuốc vì có những chống chỉ định đối với loại thuốc này. Chị em cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý ngưng điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt bằng cách nào?

Có những bệnh gây rong kinh rong huyết có thể phòng ngừa được như những loại bệnh là hậu quả của viêm nhiễm sinh dục. Để tránh nhiễm khuẩn sinh dục, chị em cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh khi có kinh, vệ sinh thai nghén và nhất là trong quan hệ tình dục. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ như vô sinh, thai ngoài tử cung, viêm phần phụ mạn tính, viêm vùng chậu

Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 lần 1 năm để được phát hiện sớm một số bệnh phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, chữa trị sớm những bệnh nhiễm khuẩn sinh dục . Nếu có thai thì thực hiện qui trình khám thai định kỳ . Đối với những chị em đã đến tuổi mãn kinh , cần được tham vấn để có những phương pháp dinh dưỡng , tập luyện thân thể phù hợp , sử dụng thuốc khi cần để nâng cao chất lượng cuộc sống.

TH( theo BV HungVuong)

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT