Vô sinh để chẩn đoán nguyên nhân là rất khó, tuy nhiên khi tìm được nguyên nhân cũng là cơ sở tìm ra chìa khoá để khắc phục tình trạng này. Việc chẩn đoán vô sinh cũng như các bệnh khác cần phải dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Trong đó các xét nghiệm cận lâm sàng là rất quan trọng. Dưới đây là ý nghĩa một số xét nghiệm chẩn đoán vô sinh cơ bản
Phân tích tinh dịch
Đây là xét nghiệm đánh giá thể tích và chất lượng tinh dịch, cũng như số lượng, nồng độ, hình dạng và độ di động của tinh trùng. Xét nghiệm cũng tìm sự hiện diện của bạch cầu trong tinh dịch- đó là một dấu hiệu cho thấy có thể có tình trạng nhiễm trùng.
Xét nghiệm về hormôn
Nếu có thể, người khám nên sắp xếp thời gian làm xét nghiệm vào ngày thứ 3 của chu kì kinh nguyệt, vì khi đó mới có thể đo được được nồng độ cơ bản của hormôn kích thích nang trứng (FSH) và hormôn tạo hoàng thể (LH) trong máu. (Ngày thứ 1 là ngày đầu tiên ngưòi phụ nữ có kinh). Nồng độ LH trong máu được đo một lần nữa vào khoảng giữa chu kì kinh khi người phụ nữ rụng trứng, và đo lại lần thứ ba vào một tuần sau đó. Đôi khi, trong suốt chu kỳ, bác sĩ sẽ đo nồng độ trong máu của một vài hoặc toàn bộ các hormôn sau: prolactin, hormôn kích thích tuyến giáp (TSH); T3,T4 tự do; testosterone toàn bộ; testosterone tự do, DHEAS và androstenodione.
Các loại xét nghiệm khác
Một số bệnh được biết có gây vô sinh như AIDS, viêm gan và nhiễm khuẩn, nên cần phải xét nghiệm máu ở cả vợ lẫn chồng. Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều phương pháp chẩn đoán sau:
· Chụp X-quang lòng tử cung có cản quang (HSG): để thực hiện, một chất có tính chất cản tia X được bơm qua cổ tử cung vào trong lòng tử cung và vòi trứng. Sau đó, dùng một máy chụp X-quang đặc biệt chụp vùng chậu trước khi chất nhuộm trên chảy ra ngoài. Hình ảnh X-quang có thể giúp bác sĩ chẩn đoán những u xơ, tử cung có hình dạng bất thường, mô sẹo hoặc sự tắc nghẽn vòi trứng. Trong khi bơm thuốc, người bệnh có thể yêu cầu bác sĩ hoặc kỹ thuật viên X-quang bơm chậm lại để giảm tối thiểu sự khó chịu.
· Nội soi tử cung: nếu kết quả HSG cho thấy có bất thường của tử cung, bác sĩ có thể dùng nội soi tử cung để quan sát trực tiếp bên trong lòng tử cung. Thủ thuật này sử dụng một ống soi tử cung-có bản chất là một ống phóng to thu nhỏ (tele) mỏng – đưa qua cổ tử cung để vào lòng tử cung.
· Xét nghiệm sau giao hợp (PTC): đây là một phương pháp không đau được thực hiện ngay tại phòng khám tại thời điểm người phụ nữ rụng trứng và mới giao hợp trước đó vài giờ. Phương pháp này bao gồm lấy một ít chất nhầy của cổ tử cung và xem dưới kính hiển vi. PTC đánh giá tính tương hợp của tinh trùng người chồng với chất nhầy cổ tử cung.
· Sinh thiết nội mạc tử cung: mục đích chính của phương pháp này là phát hiện người phụ nử có khiếm khuyết về giai đoạn hoàng thể- đó là sự thiếu hụt progesterone có thể dẫn đến sẩy thai sớm. Bác sĩ lấy một mẫu bệnh phẩm nhỏ từ nội mạc tử cung (là lớp lót bên trong tử cung) trong khoảng ngày thứ 11-13 sau khi LH đạt đỉnh gây rụng trứng.
· Nội soi ổ bụng: sau khi bệnh nhân được gây tê hoặc gây mê, một ống “tele” bằng sợi quang học nhỏ được đưa vào vùng chậu thông qua một lỗ rạch nhỏ trên bùng. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát bên ngoài tử cung, vòi trứng và buồng trứng để tìm dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung, những tổ chức bị dính trong vùng chậu, hoặc các bất thường khác.
Đừng nên thất vọng nếu công việc chẩn đoán không tìm ra một nguyên nhân rõ ràng nào; điều này có thể xảy ra với tỉ lệ 1/5 (cứ 5 trường hợp thì có 1 trường hợp không tìm ra nguyên nhân). Các xét nghiệm có thể giúp loại trừ rất nhiều vấn đề như tắc vòi trứng, và cũng có thể giúp bệnh nhân và bác sĩ vạch ra một kế hoạch điều trị hợp lý.
TH
[…] Vô sinh ở nữ giới chủ yếu do các bệnh lý gây nên. Để biết tình trạng khả năng sinh sản, bạn cần thực hiện các xét nghiệm chuẩn đoán vô sinh. […]