Chửa ngoài tử cung là những trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở vòi trứng, khi vỡ chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ của người có thai ngoài tử cung vỡ. Xử lý thai ngoài tử cung như thế nào và có can thiệp nội khoa được không?
Thai ngoài tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào, khi vỡ máu ồ ạt vào trong ổ bụng, người bệnh có thể bị ngất xỉu và tử vong khi chưa kịp đến bệnh viện, hoặc nếu sống được thì sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và tương lai sản khoa về sau.
1. Xử lý khi gặp thai ngoài tử cung?
Thai ngoài tử cung (TNTC) là một cấp cứu thường gặp, đó là hiện tượng người bệnh có thai, nhưng thai không nằm trong lòng tử cung như bình thường mà nằm tại vị trí bất thường ngoài tử cung. Chính vì tại các vị trí bất thường đó mà TNTC sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, đe doạ tính mạng người bệnh.
Vì vậy, khi nghi ngờ TNTC, người bệnh cần phải nhập viện, tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không được tự động bỏ về để cùng với bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Khi nhập viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn :
- Theo dõi tình trạng sức khoẻ như đau bụng ít hay nhiều, có ra huyết nhiều không, có cảm giác thốn nặng ở hậu môn, mắc cầu không…
- Được giải thích rõ bệnh của mình là cần theo dõi sát mạch, huyết áp tại bệnh viện để chẩn đoán và điều trị sớm, không để bệnh diễn tiến đến mức độ nặng từ TNTC chưa vỡ thành TNTC bị vỡ gây chảy máu nhiều.
- Một vài triệu chứng của TNTC mà người bệnh cần biết để tự mình theo dõi cho mình:
Triệu chứng TNTC chưa vỡ:
- Trễ kinh -> thử nước tiểu thấy có thai.
- Đau bụng.
- Ra huyết rỉ rả kéo dài.
Triệu chứng TNTC bị vỡ gồm các triệu chứng của TNTC chưa vỡ, kèm thêm: đau bụng đột ngột, dữ dội đau đến muốn xỉu, đau vã mồ hôi, xanh xao, nhợt nhạt…
Nguy hiểm của TNTC vỡ:
– Mất máu nhiều: một khi đã mất máu nhiều, người bệnh buộc phải được truyền máu để bù lại cho đủ, do đó sẽ gây tốn kém rất nhiều cho việc điều trị, chưa kể đến có thể bị vài phản ứng không tốt do truyền máu gây ra. Và nếu mất máu quá nhiều -> đưa đến tử vong nếu không đến bệnh viện để phẫu thuật kịp thời.
Trong thời gian theo dõi, nếu diễn tiến bệnh phức tạp, làm cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, các triệu chứng bất thường mà người bệnh cảm thấy cũng như các dấu hiệu khi bác sĩ thăm khám, cùng với các kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm đều không đủ chẩn đoán chắc chắn là người bệnh bị TNTC thì người bệnh sẽ được đề nghị làm thêm một bước chẩn đoán cuối cùng, đó là “ Nội soi chẩn đoán”.
2. Xử lý và điều trị thai ngoài tử cung
2.1 Nội soi chẩn đoán
Đó là một phương pháp phẫu thuật dùng để chẩn đoán chính xác có TNTC hay không và nếu có thì cho phép ta điều trị luôn TNTC đó.
- Có TNTC thật sự: thì người bệnh sẽ được điều trị luôn ngay trong lúc nội soi.
- Không có TNTC: thì người bệnh ngoài việc được khẳng định chắc chắn không có TNTC còn được kiểm tra có viêm nhiễm, có dày dính gì không, có u bướu gì không…, sau đó sẽ được xuất viện sớm một cách yên tâm về tình trạng của mình, cũng như kết quả một quá trình theo dõi căng thẳng kéo dài vì bị nghi ngờ có TNTC mà không biết được khi nào nó vỡ ra.
Phẫu thuật Nội Soi là phẫu thuật mang nhiều ưu điểm:
- Không gây đau đớn sau khi mổ.
- Không dùng trụ sinh nhiều.
- Phục hồi lại sức khoẻ nhanh.
- Trở lại với công việc và sinh hoạt thường ngày sớm.
- Có tính thẩm mỹ vì không để sẹo xấu trên bụng (sẹo mổ khoảng 0,5 – 1 cm).
- Thời gian nằm viện rất ngắn (khoảng 48 giờ sau khi mổ là có thể xuất viện được).
Do đó ít gây ảnh hưởng lên sức khoẻ người bệnh và chi phí điều trị thấp.
Vì các ưu điểm trên mà Nội soi được chọn lựa để chẩn đoán sớm và chẩn đoán chính xác TNTC chưa vỡ, tránh kéo dài nguy cơ vỡ TNTC cho người bệnh.
TNTC là một bệnh không mong đợi ở tất cả mọi phụ nữ đang mong muốn có con nhưng đôi khi TNTC là khó tránh và phải chấp nhận, nhưng còn ở các chị em khác chưa muốn có con, các chị em có thể nên ngừa thai, và đặc biệt là phòng tránh TNTC bằng thuốc ngừa thai, dùng bao cao su, không nên nạo phá thai một cách bừa bãi vì đó là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến vô sinh và TNTC sau này.
2.2 Điều trị thai ngoài tử cung bằng nội khoa
Chỉ định điều trị thai ngoài tử cung bằng nội khoa trong các trường hợp:
– Bệnh nhân có huyết động ổn định (số lượng máu xuất ra ổn định), không thấy dấu hiệu của chảy máu ổ bụng tiến triển.
– Xét nghiệm nồng độ β hCg ≤ 5000 mUI/ml (có thể ≤ 10.000mUI/ml)
– Siêu âm không có hoạt động tim thai và kích thước khối thai nhỏ hơn 3-4 cm.
Chống chỉ định tuyệt đối điều trị thai ngoài tử cung bằng nội khoa:
– Huyết động không ổn định (trường hợp này điều trị bằng phẫu thuật)
– Các dấu hiệu của thai ngoài dọa vỡ hay đang vỡ (đau bụng dữ dội hoặc đau bụng dai dẳng, dịch ổ bụng tự do trong khoang chậu > 300ml)
-Phụ nữ đang cho con bú hay tồn tại đồng thời thai trong tử cung có thể sống được.
– Xét nghiệm huyết học cơ bản bất thường, có rối loạn về xét nghiệm chức năng gan, thận.Có các bệnh lý toàn thân như suy giảm miễn dịch, bệnh phổi, loét đường tiêu hóa.
– Nhạy cảm ,dị ứng quá mức với thuốc điều trị MTX
– Không đủ điều kiện đến trung tâm y tế khi cần thiết, không thể tuân thủ sau khi điều trị
Chống chỉ định tương đối điều trị thai ngoài tử cung bằng nội khoa:
– Nồng độ HCG cao: Những phụ nữ có nồng độ HCG > 5000mUI/ml cần phải điều trị nhiều đợt hơn và khả năng thất bại cao hơn.
– Siêu âm có sự hoạt động tim thai hay kích thước khối thai ngoài tử cung lớn
– Dịch ổ bụng có thể thông báo thai ngoài tử cung vỡ, tuy nhiên cần kiểm tra kĩ do đó có thể là máu do sấy thai ở vòi trứng.
– Một số yếu tố khác: phát hiện túi noãn hoàng trên siêu âm, khối thai ngoài ở đoạn eo, mức acid folic cao trước điều trị, mức HCG tăng hoặc giảm ít trong vòng vài ngày sau điều trị.
Điều trị nội khoa trong thai ngoài tử cung
Điều trị bằng Methotrexate theo đường tiêm, là tác nhân kháng acid folic, ức chế tổng hợp ADN và sản sinh tế bào, đặc biệt ở những tế bào sinh ác tính, nguyên bào phôi và tế bào thai nhi. Việc điều trị cần tuân thủ:
-Theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa : Thông thường có 2 phác đồ điều trị MTX chính là phác đồ đơn liều và phác đồ đa liều. Ngoài ra MTX có thể kết hợp với Mifepristone đường uống (600 mg) để tăng hiệu quả điều trị.
-Kiểm tra nồng độ HCG định kì theo cả phác đồ,cho đến khi HCG không phát hiện được.
-Theo dõi những tác dụng phụ của thuốc: Hay gặp nhất là viêm kết mạc và viêm miệng. Các tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm viêm dạ dày, viêm ruột, viêm da, viêm phổi, rụng tóc, tăng men gan và suy tủy xương. ..
-Một vài thận trọng cần lưu ý:
+ Tránh giao hợp và thụ thai cho đến khi mức HCG trở về âm tính.
+Tránh khám khung chậu trong quá trình theo dõi do nguy cơ vỡ vòi trứng.
+Tránh ánh nắng mặt trời để hạn chế nguy cơ viêm da do MTX và kiêng thức ăn,vitamin có acid folic, cũng như tránh dùng thuốc bừa bãi để hạn chế tương tác thuốc.
-Theo dõi dấu hiệu bất thường và tái khám định kì.
Mọi vấn đề về sức khỏe, tâm lý vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.