Bệnh Tay – Chân – Miệng là bệnh do virus, lây qua đường tiêu hóa và thường bùng phát thành dịch vào tháng 3-5 và tháng 9-10. Bệnh thường lành tính có thể tự khỏi nhưng cũng có trường hợp gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm triệu chứng và biến chứng bệnh.
-
Các triệu chứng bệnh
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với nhiễm trùng.
Các dấu hiệu của bệnh tay-chân -miệng rất dễ nhận biết:
-
Sốt:
– Sốt nhẹ hoặc sốt cao, thường khoảng 38-39°C.
– Kèm theo: Chán ăn, ho, đau bụng, đau họng.
-
Loét miệng:
Sau 1 – 2 ngày, các nốt đỏ bắt đầu xuất hiện trong miệng, nhất là quanh lưỡi, lợi và mặt trong má. Thường sẽ có từ 5-10 vết trong miệng.
Những vết này có thể rất đau khiến trẻ khó ăn, uống và nuốt, khiến trẻ rất khó chịu và quấy khóc. Những vết loét miệng này sẽ hết trong vòng 5-7 ngày.
-
Nổi ban trên da:
Những vị trí hay gặp những nốt này nhất là ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thỉnh thoảng gặp ở mông và háng. Những nốt này có kích thước khoảng 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.
Những nốt này thường không đau và không ngứa. Các nốt ban trên da và mụn nước có thể kéo dài tới 10 ngày.
-
Điều trị
Không có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày.
-
Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà:
Bệnh nhẹ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt, có thể chăm sóc tại nhà.
– Cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước (tốt nhất là nước thường hoặc sữa; tránh những đồ uống có tính a xít như cô ca hay nước cam).
– Cho trẻ ăn thức ăn mềm như cháo, súp, vì việc ăn và nuốt sẽ khá khó khăn.
– Dùng thuốc điều trị triệu chứng.
-
Các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol và ibuprofen
-
Có nhiều loại gel, thuốc xịt và nước súc miệng để điều trị loét miệng như: Gel lidocaine, xịt miệng benzydamine, súc miệng benzydamine, gel choline salicylate…
– Súc miệng bằng nước muối ấm.
– Nếu trẻ có mụn nước, tránh làm vỡ mụn vì dịch bên trong làm bệnh lây lan.
-
Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị: nếu có
-
Sốt cao liên tục không thể hạ được.
-
Mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà….
-
Giật mình, vã mồ hôi, lạnh, run chi, ngồi không vững, đi loạng choạng.
-
Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
-
Phòng ngừa bệnh lây lan
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây. Cách tốt nhất để tránh mắc bệnh và lây lan bệnh là tránh tiếp xúc gần với người bệnh và:
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín
– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày
– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
– Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.