Bệnh gout là một bệnh lý rất hay gặp hiện nay và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Khi các cơn gout cấp tái phát thường xuyên, nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ chuyển sang gout mãn tính. Gout mạn tính không chỉ gây tổn thương ở các khớp mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Một trong những biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất chính là suy thận mạn.
- Bệnh gout là gì?
Bệnh gout hay còn gọi là bệnh thống phong, đây là một bệnh khớp vi tinh thể, do sự rối loạn chuyển hóa các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng acid uric máu, gây lắng đọng các tinh thể muối urat tại khớp gây nên tình trạng viêm khớp.
2. Tại sao nói bệnh gout là nguyên nhân gây suy thận mạn không hồi phục?
-Thận đảm nhận vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa acid uric của cơ thể. Axit uric là thành phần sản sinh khi cơ thể thu nạp thức ăn chứa nhiều purin. Phần lớn axit uric của cơ thể sinh ra được đào thải hoàn toàn qua thận và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin sẽ khiến nồng độ axit uric trong máu tăng nhanh, khiến cho thận không thể đào thải hoàn toàn ra bên ngoài gây nên tình trạng tăng axit uric trong máu. Nếu nồng độ axit uric trong máu tiếp tục tăng cao và kéo dài thì áp lực lên thận ngày càng lớn và có thể phát sinh những biến chứng tại cơ quan này.
-Mặt khác, ở bệnh nhân gout các tinh thể urate natri có thể lắng đọng ở nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó thận là cơ quan có lắng đọng rất sớm. Khi các vi tinh thể urate natri lắng đọng trong xoang thận sẽ tạo ra sỏi thận có thể làm tắc đường tiểu, viêm đường tiểu, ứ nước … ; khi lắng đọng trong các ống thận gây viêm thận kẽ và tắc các ống thận làm tổn thương tổ chức nhu mô thận và giảm chức năng thận.
-Những tổn thương trên thường kết hợp với nhau làm chức năng thận của bệnh nhân gout ngày càng suy giảm gây nên suy thận mạn không hồi phục. Khi thận bị suy chức năng lại trực tiếp tham gia vào cơ chế sinh bệnh gút, tạo ra vòng xoắn bệnh lý thúc đẩy bệnh gút tiến triển nhanh đến giai đoạn muộn rất khó điều trị.