Xét nghiệm nước tiểu để tìm protein có trong nước tiểu là một trong những xét nghiệm quan trọng mà các sản phụ quan tâm nhất trong thời kỳ mang thai.Vậy Protein niệu là gì, được làm ra sao và mức độ nguy hiểm của nó đối với sản phụ như nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin về vấn đề này.
- Xét nghiệm Protein niệu là gì?
Bình thường thận có chức năng bài tiết và hấp thu các chất, trong đó thận kiểm soát không cho một lượng lớn protein đi qua màng lọc cầu thận. Khi xuất hiện protein trong nước tiểu là biểu hiện có tổn thương tại thận. Xét nghiệm Protein niệu là xét nghiệm tìm Protein có trong nước tiểu. Đây là một xét nghiệm quan trọng đối với phụ nữ mang thai.
Xét nghiệm Protein trong nước tiểu
- Mức độ nguy hiểm của Protein trong nước tiểu đối với thai phụ?
Khi protein niệu ở trên mức 0,3 g/24 giờ hoặc trên 1g/lít được coi là protein niệu dương tính.
Với sản phụ nếu protein niệu tìm thấy trước 20 tuần có thể có bệnh lý thận trước đó, Bác sĩ sẽ khai thác thêm tiền sử bệnh lý hoặc làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác để đánh giá. Sau 20 tuần thai, nếu xét nghiệm Protein niệu dương tính là biểu hiện nguy cơ cao của tiền sản giật.
Sự xuất hiện protein trong nước tiểu được coi là do sự chèn ép của thai nhi vào đường tiết niệu cùng với sự thay đổi tính thấm mao mạch cầu thận do tăng tưới máu thận làm giảm tái hấp thu cầu thận gây ra protein niệu.
Tất cả phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm nước tiểu tối thiểu vào thời điểm trước 12 tuần thai và sau tuần thai thứ 20. Khi có protein niệu cần theo dõi sát sao nếu kèm theo tình trạng phù ở tất cả mức độ hoặc tăng huyết áp thì nguy cơ tiền sản giật rất cao ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi, nguy cơ sảy thai, sinh non.