Trang chủTIM MẠCHTác động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh hen

Tác động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh hen

Nhiều bệnh nhân hen, nhất là những người cao tuổi phải dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hay bệnh tim, hoặc cả hai. Trong trường hợp này bác sĩ và người bệnh cần lưu ý đến tác dụng của các loại thuốc trên đối với bệnh hen cũng như tác dụng của thuốc điều trị hen lên bệnh tim mạch.

Tác động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh hen
Tác động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh hen

Tác dụng của thuốc điều trị bệnh tim mạch lên bệnh hen

– Trong số các loại thuốc điều trị tăng huyết áp hiện có, thuốc ức chế thụ thể giao cảm beta và ức chế men chuyển là những loại thuốc thường gặp nhất có tác dụng xấu lên bệnh hen.

– Các chất ức chế thụ thể giao cảm beta: Có thể gây kích phát cơn hen vì trên đường hô hấp có sự hiện diện của các thụ thể beta. Để điều trị tăng huyết áp người ta dùng thuốc này dựa vào tác dụng ức chế thụ thể beta ở thành mạch làm giãn mạch nhưng đồng thời thuốc này cũng gây tác dụng ức chế tương tự lên đường thở gây co thắt đưa đến hậu quả nguy hiểm. Propranolol (inderal) là thuốc có hiệu quả đặc biệt mạnh lên khí quản gây co thắt và khởi phát cơn hen.

– Vì thuốc ức chế thụ thể beta rất hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp nên người ta cố gắng bào chế loại thuốc có tác dụng chọn lọc trên tim gọi là thuốc ức chế chọn lọc thụ thể beta 1. Thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy dù thuốc này an toàn hơn cho bệnh nhân hen thể nhẹ và vừa nhưng vẫn có xu hướng gây co thắt phế quản ở một số người. Do đó cần thận trọng khi dùng thuốc này cho bệnh nhân hen, hoặc tốt nhất là nên dùng liều thuốc đầu tiên tại bệnh viện để nếu có cơn hen khởi phát, bác sĩ có thể xử trí tức thì.

– Thuốc ức chế thụ thể beta có hai dạng: dạng viên để chữa bệnh tăng huyết áp, bệnh tim; dạng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Nên nhớ thuốc ức chế thụ thể beta ngay cả dưới dạng thuốc nhỏ mắt cũng có thể làm triệu chứng hen xấu đi, vì vậy khi đi khám mắt bạn hãy báo cho bác sĩ biết bạn bị hen.

– Thuốc ức chế men chuyển: Có thể gây tác dụng phụ là ho khan kéo dài với tỷ lệ lên đến 20% số người dùng thuốc. Cần lưu ý triệu chứng ho do thuốc gây ra có thể che giấu triệu chứng hen, và bản thân triệu chứng ho cũng có thể làm khởi phát cơn hen. Hơn nữa ho có thể làm trào ngược dạ dày. Đây cũng là yếu tố kích phát cơn hen. Vì thế thuốc ức chế men chuyển không được xem như thuốc chọn lựa hàng đầu cho bệnh nhân hen. Nếu cần thiết phải dùng nên theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của thuốc.

– Bản thân các thuốc ức chế men chuyển không kích phát cơn hen nhưng nếu đang dùng thuốc này mà có triệu chứng ho hãy báo cho bác sĩ biết. Các thuốc thường dùng có thể gây ra triệu chứng ho khan như: captopril (lopril), enalapril (renitec), lisinopril (zestril), perindopril (coversyl), quinapril (accupril)…

Adenosin: Thường được dùng điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất; thuốc này cũng có tác dụng làm co thắt phế quản nên chống chỉ định cho bệnh nhân hen.

Tá động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh hen
Tác động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh                                      hen

Thuốc điều trị tăng huyết áp an toàn cho bệnh nhân hen

Gồm các loại thuốc thuộc nhóm:

– Ức chế kênh calci như: nifedipin (adalate), nicardipin (loxen), amlodipin (amlor), felodipin (plendil), diltiazem (tildiem)…

– Đối kháng thụ thể AT 1 của angiotensin II ví dụ: irbesartan (aprovel), losartan (cozaar), telmisartan (micardis), valsartan (diovan)…

– Lợi tiểu: nhóm thiazid, furosemid, indapamid…

Hai loại thuốc ức chế kênh calci và đối kháng thụ thể AT1 của angiotensin II đã được chứng minh không gây nguy cơ hay tai biến nào cho bệnh nhân hen nên được xem là thuốc chọn lựa hàng đầu để điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân hen. Thuốc ức chế kênh calci có xu hướng được dùng nhiều hơn do được thử nghiệm lâu hơn và giá thành rẻ hơn.

Một tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc lợi tiểu là hạ kali máu. Một số thuốc điều trị hen như salbutamol cũng có tác dụng tương tự nên nếu dùng cùng lúc hai loại thuốc này cần thường xuyên theo dõi nồng độ kali máu.

Các thuốc clonidin, hydralazin vì chưa được kiểm chứng mức độ an toàn nên ít được sử dụng.

Tác động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh hen
Tác động giữa thuốc điều trị bệnh tim mạch và bệnh hen

Tác dụng của thuốc điều trị hen lên bệnh tim mạch

Cơ thể người bệnh tim mạch trở nên dễ nhạy cảm với thuốc trị hen vì vậy các thuốc giãn phế quản có thể làm tăng nhịp tim. Các thuốc kích thích thụ thể beta 2 như salbutamol không làm tăng huyết áp nên có thể dùng cho người bị tăng huyết áp.

Nếu bạn có chứng tim loạn nhịp nhanh hoặc bệnh mạch vành, tim bạn có thể trở nên nhạy cảm với thuốc giãn phế quản ngay cả dưới dạng hít và làm cho bệnh nặng hơn. Hiện nay chưa có thuốc thay thế hoàn hảo nhưng có thể dùng ipratropium (atrovent) dù thuốc này có tác dụng giãn phế quản không mạnh và nhanh bằng nhưng ít có tác dụng kích thích trên tim hơn. Hiện nay có chế phẩm mới cùng nhóm với albuterol như levalbuterol (xopenex) dưới dạng dung dịch để phun khí dung. Thuốc này ít gây ảnh hưởng đến nhịp tim như albuterol.

– Theophyllin: Có tác dụng làm giãn phế quản nhưng đồng thời cũng làm tăng nhịp tim và tăng mức tiêu thụ ôxy của cơ tim nên chống chỉ định cho bệnh nhân có nhịp tim nhanh, suy mạch vành.

 Các biện pháp phòng ngừa

– Luôn luôn đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc gì để biết có ảnh hưởng lên bệnh hen hay bệnh tim mạch bạn đang mắc phải không.

– Khi đi khám bệnh nhớ báo cho bác sĩ biết bạn bị hen và đang dùng thuốc gì.

– Trước khi dùng một loại thuốc mới cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ thuốc đó có ảnh hưởng đến bệnh hen không.

– Đang dùng một thuốc nào nếu thấy triệu chứng hen nặng hơn phải báo cho bác sĩ biết ngay.

Thuốc điều trị tim mạch nên thận trọng trong việc dùng kết hợp với các thành phần thuốc khác, nên có sự theo dõi của bác sỹ.

Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT