Trang chủSỨC KHỎE TỔNG QUÁTBệnh hô hấpPhòng bệnh đường hô hấp vào mùa xuân

Phòng bệnh đường hô hấp vào mùa xuân

Sau tết thời tiết thay đổi liên tục, độ ẩm cao khiến trẻ nhỏ, người già nhập viện ồ ạt vì bệnh đường hô hấp đặc biệt là viêm đường hô hấp, trong đó có nhiều bệnh nhân trở nặng có biến chứng viêm phổi, viêm phế quản.

Viêm phổi, viêm phế quản mùa xuân

1. Viêm khí – phế quản cấp tính:

Virut cúm influenza A và B, các virus parainfluenza, virut hợp bào hô hấp, virut hạch, virut đường mũi… khi gặp điều kiện thuận lợi kể trên sẽ sinh sôi và phát tác rất nhanh, gây viêm khí – phế quản cấp mùa đông – xuân. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường gối chồng lên các biểu hiện của viêm khí – phế quản. Với bệnh viêm khí – phế quản cấp, cách phòng bệnh tốt nhất chính là giữ ấm cơ thể, nhất là vùng ngực và cổ. Khi bị bệnh, nên có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi tốt kết hợp với dùng kháng sinh thông thường chống bội nhiễm.

2. Viêm phổi:

Từ viêm đường hô hấp trên rất dễ dẫn tới viêm phổi. Hiện nay, do tình trạng các vi khuẩn đã kháng với một hoặc nhiều kháng sinh nên việc điều trị bệnh viêm phổi gặp nhiều khó khăn. Do căn bệnh này nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, nên nếu nghi ngờ viêm phổi phải đi bệnh viện ngay lập tức. Việc phòng bệnh viêm phổi là hết sức quan trọng, đó là giữ ấm, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa, tăng cường sự chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng đỡ cơ thể cho người già và trẻ em.

3. Hen phế quản:

Phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ… là nguyên nhân đầu tiên khiến những người có cơ địa dị ứng, nhất là bệnh nhân hen tái phát hoặc phát bệnh. Bên cạnh đó, do độ ẩm không khí cao, khả năng đề kháng của cơ thể giảm… cũng khiến cho bệnh hen phế quản trong mùa đông xuân cao hơn hẳn so với các mùa khác. Muốn phòng tránh bệnh hen, không có cách gì khác ngoài việc loại trừ các tác nhân gây bệnh như không để cơ thể bị lạnh, tránh bụi, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa… Đối với người đã mắc bệnh, điều quan trọng là phải cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.

4. Giãn phế quản:

Giãn phế quản có hai thể, đó là thể “khô” (ít gặp) và thể “ướt” (thường gặp). Giãn phế quản ướt là giãn phế quản xuất tiết, người bệnh có biểu hiện chủ yếu là ho khạc nhiều đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn. Lạnh là yếu tố kích thích phế quản xuất tiết niêm dịch, ứ đọng trong các phế quản giãn là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn phát triển. Điều đó lý giải vì sao mùa đông – xuân tỉ lệ người bị bệnh này tăng rõ rệt. Chống lạnh, chống nhiễm khuẩn cần được đặc biệt chú ý đối với những người đã mắc bệnh này.

5. Ho ra máu:

Sự thay đổi về nhiệt độ và khí áp, đặc biệt với việc các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nhanh trong khí hậu lạnh và ẩm khiến bệnh ho ra máu tăng rõ rệt. Với bệnh này, phòng ngừa tốt nhất vẫn là tránh không để nhiễm khuẩn đường hô hâp. Nếu mắc bệnh phải dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và có chế độ nghỉ ngơi tốt.

6. Đợt cấp của tâm phế mạn tính:

Tâm phế mạn là bệnh tim do bệnh phổi mạn tính (viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi…) gây ra. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh khiến bệnh nhân khó thở nhiều, sau vài đợt như thế nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Tuy là bệnh tim nhưng do nguyên nhân phổi nên điều trị chủ yếu về phổi, điều trị nhiễm khuẩn phổi. Do vậy, không để tái phát các bệnh phổi – phế quản trong mùa lạnh  là vấn đề sống còn đối với bệnh nhân tâm phế mạn tính.

7. Áp-xe phổi:

Khi bị viêm phổi hay giãn phế quản bội nhiễm, nếu không được giải quyết tốt sẽ biến chứng thành áp-xe phổi. Căn bệnh này sẽ hủy hoại nhu mô phổi do nhiễm khuẩn S. pneumoniae. H. influenzae… ở trẻ em là do tụ cầu. Để phòng tránh biến chứng này, ngoài việc mặc ấm, giữ kín cổ, ra khỏi nhà nên đeo khẩu trang… thì nhà ở phải kín gió.

8. Tràn dịch màng phổi:

Do bệnh lao tăng mạnh sẽ kéo theo tỉ lệ tràn dịch màng phổi ở mùa đông – xuân cao hơn nhiều so với các mùa khác. Khi bị tràn dịch màng phổi, bệnh nhân bắt buộc phải đến các cơ sở điều trị bệnh lao và bệnh phổi để chọc tháo, tránh tai biến ép tạng, suy hô hấp, dầy dính màng phổi, đóng vôi màng phổi sau này.

9. Suy hô hấp:

Do dễ bị nhiễm khuẩn, người mắc bệnh phổi – phế quản mạn tính, người nhiễm virut… rất dễ bị suy hô hấp. Tuy nhiên, suy hô hấp do nhiễm khuẩn điều trị đơn giản, hiệu quả hơn suy hô hấp ở người bị bệnh phổi mạn tính. Suy hô hấp sau cúm thường rất nặng, tử vong cao. Để phòng tránh bệnh này, mùa đông nên đi ngủ sớm, thức dậy muộn, tập thể dục hay đi lại nhẹ nhàng trong nhà hoặc nơi kín gió. Nên ăn thức ăn có màu đen, tính nhuận như vừng đen, nếp cẩm, đậu đen…

Ngoài những bệnh về phổi – phế quản, trong mùa đông – xuân, chúng ta còn phải hết sức chú ý phòng chống các bệnh khác như cúm, bệnh ở cơ quan tuần hoàn, bệnh ở cơ quan tiêu hóa, bệnh tiêu chảy mùa đông ở trẻ do adeno virus, nứt nẻ da tay. Đối với những bệnh mùa đông, phương pháp phòng bệnh chủ yếu chính là giữ ấm cơ thể và phòng ở, ăn nhiều gia vị có vị cay, ấm, đặc biệt là tỏi.

Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

RELATED ARTICLES

2 BÌNH LUẬN

  1. Thưa BS, con trai tôi được 17 tháng tuổi, nặng 13,5 kg. Ba tháng nay, bé thường xuyên ho và sổ mũi, tôi nghĩ là do thời tiết chuyển mùa và trước đây bé đã từng bị viêm phế quản-phổi. Tôi đưa bé đi khám, BS nói bé bị viêm họng kéo dài và kê thuốc Ery children 250mg uống kèm với siro ho. Bé uống đúng 5 ngày thì bớt ho và sổ mũi nhưng 10 ngày sau lại tái phát. BS kê đơn cho bé uống tiếp thuốc đó cũng bớt ho nhưng vài ngày sau bệnh vẫn vậy.

    Lúc bé mới ho, tôi không cho uống kháng sinh ngay vì sợ uống kháng sinh nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Tôi chăm bé cẩn thận, được vài ngày bé ho nhiều hơn và chảy mũi xanh nên tôi cho dùng lại kháng sinh.

    BS cho tôi hỏi, bé uống kháng sinh như vậy có ảnh hưởng gì? Bệnh của bé vì sao cứ tái đi tái lại hoài (Tôi có cho bé uống thêm Syrup multivitamin để tăng sức đề kháng). Mong BS tư vấn giúp tôi

    • Chào Minh Quang,
      Viêm mũi họng là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ rất dễ bị viêm nhiễm mũi họng (vài ngày hoặc vài tuần là thấy trẻ có biểu hiện viêm nhiễm). Đây là nỗi lo của nhiều bà mẹ chứ không riêng gì bạn.

      Trẻ dễ bị viêm mũi họng do vệ sinh kém, sức đề kháng yếu nên dễ lây nhiễm từ bạn học cùng lớp. Ngoài ra mũi và họng là nơi tiếp xúc đầu tiên với không khí đi từ ngoài vào đến phổi để cung cấp ôxy cho cơ thể. Không khí hít vào đồng thời những tác nhân gây bệnh cũng vào theo.

      Trẻ càng lớn, sức đề kháng càng cao, trẻ cũng ý thức được vệ sinh cá nhân tốt nên tần suất viêm nhiễm mũi họng sẽ giảm dần. Chính vì vậy, mà cha mẹ không nên quá lo lắng khi thấy con đi nhà trẻ vài ngày lại phải nghỉ học, đây chính là quá trình thích nghi cần thiềt để cơ thể trẻ có đủ khả năng miễn dịch.

      Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, điều trị dứt điểm bệnh này và cũng không có thuốc tiêm ngừa.

      Trường hợp con bạn ho nhiều, chảy mũi xanh nên bác sĩ đã dùng kháng sinh là đúng chỉ định, bạn không phải lo lắng điều này, vì nếu không dùng, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn hoặc bệnh chuyển sang viêm nhiễm đường hô hấp dưới.

      Bé thường xuyên ho chảy mũi xanh bạn cần khám và nội soi V.A có to không, nếu V.A to mà không đáp ứng với điều trị nội khoa, phải nạo V.A thì bệnh bé mới ổn được.

      Bệnh chủ yếu là điều trị tích cực các đợt bệnh cấp và phòng ngừa bằng cách:

      – Giữ ấm cổ và chân cho trẻ khi thời tiết lạnh, tắm nhanh tránh gió lùa

      – Vệ sinh răng miệng tốt

      – Thường xuyên lau sạch bàn tay cho trẻ, đồ dùng cá nhân, đồ chơi của trẻ phải được tẩy rửa

      – Uống đủ nước, ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng. Sau một đợt dùng kháng sinh bạn cho bé ăn thêm sữa chua để tạo vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa.
      Chúc bé và gia đình sức khỏe!
      Em hãy gọi đến tổng đài 19006237 để được tư vấn cụ thể
      Bs Tổng đài 19006237

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT