Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp là 1 trong những bệnh phổ biến và đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Do vậy, mỗi chúng ta cần có kiến thức cơ bản về căn bệnh này nhằm phát hiện sớm, kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Các triệu chứng ban đầu của tăng huyết áp
Theo thống kê của hội tim mạch Việt Nam thì 25% dân số đang có triệu chứng của tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Đặc biệt đối tượng trong độ tuổi lao động tăng huyết áp ngày càng nhiều. Điều đáng nói, hầu hết người bệnh không biết mình đang cao huyết áp mà chỉ tình cờ phát hiện ra khi đi khám bệnh khác hoặc đã có những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Sau đây là một số triệu chứng ban đầu của tăng huyết áp bạn cần lưu ý:
- Đau nhức đầu: thường đau theo cơn, đặc biệt khi căng thẳng, lao động nặng, đau căng đầu
- Nóng người, đỏ bừng mặt
- Hoa mắt, chóng mặt có thể kèm buồn nôn, nôn
- Hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh, hốt hoảng
- Ù tai: thường ù tai kiểu nghe thấy mạch đập
- Suy giảm thị lực
Nếu thấy có các triệu chứng trên bạn cần bình tĩnh, tránh hốt hoảng, nằm nghỉ ngơi, kiểm tra huyết áp và đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
Biến chứng thường gặp của tăng huyết áp
Nếu bạn được chẩn đoán tăng huyết áp thì bạn cần kiểm soát tốt huyết áp bằng việc dùng thuốc và chế độ sinh hoạt nhằm tránh các biến chứng như sau:
Các biến chứng về não:
Tai biến mạch máu não:
Bệnh nhân tăng huyết áp mạch máu thường xơ vữa, giảm sự chun giãn đàn hồi , khi đó huyết áp tăng cao thì áp lực trong lòng mạch lại càng lớn. mạch máu não không chịu nổi áp lực dẫn tới vỡ hoặc nhồi máu não gây tình trạng liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn, nặng có thể dẫn tới tử vong.
Đột quỵ:
Bệnh nhân tăng huyết áp biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất là đột quỵ, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc bệnh nhân phải sống chung với những di chứng nặng nề như liệt, lú lẫn, hôn mê sống thực vật…. bệnh nhân tăng huyết áp cần chú ý phòng tránh đột quỵ bằng việc phòng các yếu tố bất lợi dễ dẫn tới đột quỵ não như: tắm nước lạnh đột ngột, thay đổi tư thế đột ngột, ra ngoài trời buổi sáng sớm…
Thiếu máu não:
Tăng huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch thân nền cung cấp máu nuôi não dẫn tới giảm lượng máu não gây thiếu máu não, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, có khi bất tỉnh.
Biến chứng thận:
Tăng huyết áp lâu ngày là nguyên nhân gây suy thận. vì vậy bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng thận định kỳ
Biến chứng mắt:
Huyết áp tăng cao làm tổn thương võng mạc mắt, làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác gây giảm thị lực, nặng có thể dẫn tới mù lòa.
Biến chứng về tim mạch:
Biến chứng mạch vành: Tăng huyết áp lâu ngày dẫn tới hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành. Khi tình trạng hẹp nhiều bệnh nhân thường xuyên có biểu hiện các cơn đau thắt ngực ổn định.
Đau kiểu bóp nghẹt vùng ngực trái, đau lan lên vai, hàm , cánh tay đến ngón út tay trái, cơn đau ngắn, thường xuất hiện khi gắng sức, căng thẳng, leo cầu thang với tần suất và thời gian đau tăng dần. và thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch.
Nếu mảng xơ vữa nứt ra đi theo dòng máu tới mạch vành, tạo huyết khối làm tắc mạch vành khiến bệnh nhân có cơn nhồi máu cơ tim cục bộ. lúc này bệnh nhân có biểu hiện đau ngực trái dữ dội, kéo dài trên 15 phút, đau bóp nghẹt, đau xuyên sau lưng phía sau xương ức. lan lên vai trái, hàm dưới và cánh tay, ngón út bên trái. Bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời bởi nguy cơ tử vong rất cao.
Biến chứng suy tim: tăng huyết áp lâu ngày dẫn tới cơ tim phải làm việc nhiều hơn dẫn tới cơ tim phì đại, nặng dẫn tới suy tim.
Điều trị tăng huyết áp
Mục tiêu điều trị: kiểm soát huyết áp ổn định, tránh biến chứng
Ngoài việc tuân thủ thuốc huyết áp hàng ngày, bệnh nhân cần thay đổi lối sống:
- Giảm mặn: lượng muối cung cấp 1 ngày dưới 1 thìa cà phê
- Tránh thức khuya, dậy sớm bởi sáng sớm là thời điểm dễ dẫn tới đột quỵ, bệnh nhân nên thức dậy và ra ngoài trời khi có nắng ấm.
- Không tắm lạnh đột ngột: tránh dội thẳng từ đỉnh đầu, tắm đầu và thân người cùng lúc
- Tập luyện thể dục như đi bộ, bơi lội, khí công dưỡng sinh, yoga 30 phút một ngày
- Không sử dụng chất kích thích, rượu, thuốc lá, đồ uống có ga, đồ hộp chế biến sẵn
- Nên ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch như bưởi, nấm linh chi, chè hoa cúc, nước sắc cỏ xước để ổn định huyết áp.
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, được mệnh danh “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh thường diễn biến âm thầm đôi khi không có triệu chứng nhưng lại gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho não, mắt, thận và tim nếu không được kiểm soát tốt. Do vậy, mỗi chúng ta cần có kiến thức cơ bản về căn bệnh này nhằm phát hiện sớm, kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng.