Bệnh loãng xương rất thường gặp ở độ tuổi trung niên trở lên, nhất là phụ nữ. Loãng xương gây sụp lún đốt sống và nguy hiểm nhất là gãy xương một cách tự nhiên. Theo ước tính của Tổ chức Chống loãng xương Quốc tế, cứ 30 giây trên thế giới có 1 người gãy xương do loãng xương.
Loãng xương hay còn gọi là bệnh thưa xương, xốp xương, là một bệnh lý về xương khớp khá phổ biến. Bệnh có liên quan nhiều đến vấn đề tuổi tác, công việc, chế độ ăn uống nghỉ ngơi. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Bệnh tiến triển âm thầm, ít có các triệu chứng điển hình.
Phòng bệnh loãng xương:
-
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Những người cao tuổi nên đi khám bệnh về xương khớp ở các cơ sở y tế định kỳ 3-6 tháng/ lần.
Ngoài ra, những người đã đến tuổi trưởng thành bị kém phát triển chiều cao, cân nặng dưới 40 kg hoặc giảm trọng lượng nhanh, cơ bắp yếu, người nghiện rượu, thuốc lá… cũng nên kiểm tra mật độ của xương.
-
Nên duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
Những người thừa cân béo phì cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ xương, do đó sớm bị loãng xương hơn.
-
Chế độ dinh dưỡng
Cần ăn uống đủ chất, cung cấp đầy đủ canxi và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi. Cần bổ sung ít nhất 1.200 mg canxi mỗi ngày. Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ (chứa nhiều estrogen) vì giúp làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương, tăng khoáng chất cho xương.
Hạn chế muối vì thừa muối natri cũng gây ra tăng mất xương.
-
Hạn chế rượu, bia, thuốc lá, café.
Theo thống kê của các tổ chức y tế, 1/8 phụ nữ bị loãng xương trên toàn thế giới có tiền sử hút thuốc trong một thời gian dài. Nam giới hút thuốc thường xuyên cũng làm tăng 10 lần nguy cơ loãng xương, tăng 2 lần nguy cơ gãy xương cột sống và xương hông. Hút thuốc còn khiến vết gãy ở xương khó phục hồi. Rượu là tác nhân kích thích việc mất xương nhanh hơn.
-
Chế độ thể dục thể thao
Vận động đều đặn giúp bảo vệ hệ xương, kích thích sự hình thành xương nên tránh được nguy cơ gãy xương. Chỉ cần thể dục nhẹ nhàng 30 – 40 phút mỗi lần, 3 – 4 buổi/tuần là bạn đã có thể cân bằng và duy trì độ dẻo dai của hệ thống xương. Với những người bị loãng xương chỉ nên tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương, thận trọng tránh vấp ngã vì rất dễ gây gãy xương đặc biệt là xương đùi.
Tham gia hoạt động ngoài trời để tăng tổng hợp vitamin D: Nguồn vitamin D có nhiều nhất từ ánh nắng mặt trời, việc tắm nắng vào lúc sáng sớm sẽ rất tốt giúp xương chắc khỏe.
>>>Các thông tin tham khảo khác: Ăn gì để xương khỏe mạnh ,Đau mỏi vai gáy | Nguyên nhân và cách điều trị đau mỏi vai gáy