Trong suốt thai kỳ, chế độ dinh dưỡng dành cho mẹ bầu quyết định tới cân nặng và sự phát triển của thai nhi. Trong đó, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý tới dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ bởi đây là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi, đặc biệt là hệ thần kinh và các cơ quan. Nếu người mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì có thể gây dị tật, suy dinh dưỡng hoặc thậm chí là sảy thai.
- Các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai phụ trong 3 tháng đầu
Trung bình, bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu cần cung cấp khoảng 2300 – 2400 kcal/ngày; cao hơn so với nhu cầu bình thường một chút.
Axit folic:
Acid folic hay ocnf gọi là vitamin B9 giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh hay tật nứt đốt sống trong bào thai. Axit folic có nhiều trong giá đỗ, các loại rau có màu xanh sẫm như rau cải xanh, rau bina, các loại hạt, sữa, chuối…
Ngoài ra, thai phụ cũng có thể dùng thêm viên uống bổ sung axit folic theo hướng dẫn của bác sĩtrước khi mang thai 3 tháng và ít nhất 3 tháng đầu thai kỳ với liều khuyên dùng là 0,4-0,8 mg/ngày.
Sắt:
Trong 3 tháng đầu, trẻ chưa phát triển nhanh nên việc bổ sung thêm sắt viên uống chỉ cần thiết nếu mẹ bị nôn nghén nhiều, không ăn uống được. Tổng lượng sắt nguyên tố bà bầu cần được cung cấp 36 – 40mg mỗi ngày để phòng ngừa thiếu máu. Các loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao cần tăng cường vào thực đơn ăn uống của thai phụ gồm thịt đỏ, tim cật, các loại hạt, rau xanh,…
Protein:
Trong giai đoạn này, thai phụ cần khoảng 85 – 90g protein/ngày, cao hơn bình thường 10-15g/ngày. Protein rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhanh của mô bào thai. Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý ăn nhiều hơn các thực phẩm giàu protein như cá, đậu, trứng, thịt gà, sữa, thịt bò nạc và heo,… trong cả 3 bữa ăn.
Canxi và vitamin D:
Đây là 2 thành phần dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành hệ xương của thai nhi. Mẹ bầu nên bổ sung thêm canxi trong trứng, tôm, cá, cua, sữa, rau xanh, đậu đỗ và nên tắm nắng sớm để tăng cường hấp thu vitamin D. Phụ nữ mang thai cần bổ sung khoảng từ 1000- 2000mg và không nên quá 2500 mg canxi nguyên tố mỗi ngày.
Vitamin C:
Vitamin C có tác dụng tăng cường ức đề kháng, ngăn ngừa các triệu chứng cảm lạnh cho mẹ. Vitamin C có nhiều trong các loại rau, củ, quả,…;
Các nguyên tố vi lượng:
Magie, selen, i-ốt, kẽm, DHA,… cũng cần được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu cho bà bầu. DHA có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển hệ thần kinh, võng mạc của thai. DHA có trong các thực phẩm như: Cá, lòng đỏ trứng gà, sữa, thịt đỏ, các loại hạt… Liều DHA cho thai phụ và khi cho con bú khoảng 300 mg/ngày.
Mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để có thai kỳ khỏe mạnh
- Nếu bị nôn nghén thì nên làm gì?
Việc bà bầu bị nôn nghén trong 3 tháng đầu là hiện tượng thường gặp, thậm chí có người bị ốm nghén trong suốt 9 tháng thai kỳ. Việc nôn nghén nhiều có thể dẫn đến mẹ khó ăn uống, mệt mỏi, ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé.
Nếu bị nôn nghén nhiều, mẹ sợ thức ăn thì nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi lần ăn ít một. Nên tránh những thực phẩm có mùi vị quá nồng hoặc khiến mẹ cmar thấy khó chịu. Tránh đồ chiên dầu, dùng nhiều gia vị vì sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, để hạn chế lợm giọng buồn nôn, bà bầu có thể dùng gừng và vitamin B6. Tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ 15-20 phút mỗi ngày, tập yoga.. tùy vào thể lực của mẹ cũng sẽ giúp thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế tình trạng nôn nghén.
Dinh dưỡng trong thai kỳ, đặc biệt 3 tháng đầu là vô cùng quan trong đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Vì vậy, cần phải đặc biệt chú ý để có một thai kỳ khỏe mạnh.