Hở van tim tức là tình trạng van tim đóng không kín làm dòng máu trào ngược lại buồng tim do vậy tim phải co bóp nhiều hơn. Hở van tim nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng.
Đọc thêm:
1. Bệnh hở van tim là gì?
Bình thường các van tim giữ vai trò quan trọng trong hoạt động bơm máu của tim, chúng làm nhiệm vụ đóng mở nhịp nhàng, giúp máu chỉ lưu thông theo một chiều nhất định.
Bệnh hở van tim là tình trạng van tim không đóng kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài…khiến máu bị trào ngược trở lại buồng tim trước mỗi khi tim co bóp. Bệnh có thể xảy ra ở cả 4 van tim là: van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Trong đó, hở van tim 2 lá, 3 lá là hai loại thường gặp nhất.
- Hở van 2 lá: Van tim 2 lá nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Khi bị hở van tim 2 lá khiến cho máu trào ngược trở lại buồng nhĩ trái
- Hở van 3 lá: Van tim 3 lá bị hở khiến cho máu bị trào ngược lại buồng nhĩ phải
- Hở van động mạch chủ: Khi bị hở van động mạch chủ khiến cho máu bị trào ngược trở lại buồng thất trái
- Hở van động mạch phổi: Khi bị hở van động mạch phổi sẽ khiến máu bị trào ngược về tâm thất phải
2. Nguyên nhân gây hở van tim
Có rất nhiều nguyên nhân khiến hở van tim. Sau đây là một số nguyên nhân chủ yếu:
- Do bẩm sinh: nhiều trẻ em khi sinh ra đã bị hở van tim do dị tật khi còn là bào thai.
- Thấp khớp: gây viêm nội tâm mạc và làm tổn thương các van tim.
- Bệnh tim và các rối loạn khác: Tăng huyết áp; xơ vữa động mạch; nhồi máu cơ tim…
- Tuổi cao: gây thoái hóa van và tích tụ calci do lão hóa khiến các lá van dày, sùi loét và không thể đóng kín.
- Một số các yếu tố nguy cơ khác ít gặp: Rối loạn tự miễn dịch, hội chứng carcinoid, thuốc và chế độ ăn kiêng, hội chứng Marfan, rối loạn chuyển hóa, xạ trị…
3. Hở van tim có nguy hiểm không và dấu hiệu nhận biết?
Mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ phụ thuộc vào độ hở của van và loại van tim nào bị ảnh hưởng bị ảnh hưởng. Hở van được chia làm 4 mức độ: hở 1/4 (hở nhẹ), 2/4 (hở trung bình), 3/4 (hở nặng) và 4/4 (hở rất nặng). Với mức độ hở van 1/4 ở van 2 lá, 3 lá, van động mạch phổi và người bệnh không có bất kỳ triệu chứng gì, thì được coi là hở van tim sinh lý, hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và không đáng lo ngại.
Với mức độ hở trung bình và hở van tim nặng thì có thể làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu qua van, có thể dẫn đến hậu quả suy tim, huyết khối, rối loạn nhịp tim (thường gặp nhất là rung nhĩ), đột quỵ… Hở van động mạch chủ được coi là nguy hiểm nhất, vì vậy dù chỉ hở ở mức độ nhẹ cũng cần phải được theo dõi và điều trị sớm.
Khi bệnh ở mức độ nhẹ thường không có biểu hiện gì rõ rệt. Chỉ đến lúc bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Khó thở, ho khan (thường gặp ở hở van tim 2 lá và hở van động mạch chủ)
- Nặng ngực, phù chi (triệu chứng điển hình của hở van 3 lá)
- Mệt mỏi
- Ngất xỉu
- Tim đập nhanh.
Trong giai đoạn đầu các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi hoạt động gắng sức, nhưng ở những giai đoạn nặng chúng có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi hay làm việc nhẹ.
4. Điều trị hở van tim như thế nào?
– Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám theo dõi và thay đổi lối sống; ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim… cần điều trị tích cực bệnh nền.
- Van tim bị hở từ 2/4 trở lên thì cần phải chú ý, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị.
- Khi van tim bị hở 3/4 trở lên, phải điều trị tích cực.
- Nếu bị hở từ ¾ đến 4/4, có thể phải mổ để sửa chữa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.
5. Người bị hở van tim cần có lối sống như thế nào?
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp và điều trị tăng huyết áp (nếu có).
- Ăn nhạt, ăn ít muối: Để tránh cho tim phải gắng sức và giảm hiện tượng tăng huyết áp bạn cần kiểm soát chế độ ăn uống của mình, ăn thức ăn nhạt, ít muối, ít chất béo… và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh động mạch vành gây ảnh hưởng tới cơ tim, tăng mức độ hở van tim.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Coffee, rượu bia sẽ làm tăng hiện tượng rối loạn nhịp ở người bị bệnh hở van tim.
- Tập thể dục hằng ngày: Hiện tượng thừa cân, béo phì cũng là một gánh nặng cho tim khi co bóp. Hãy tập thể dục mỗi ngày, sinh hoạt điều độ với chế độ ăn khoa học.
Hở van tim nhẹ có thể được coi là hiện tượng sinh lý chưa cần điều trị nhưng hở van tim có thể nặng lên sẽ dấn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy để có một trái tim khỏe bạn cần chủ động hơn trong việc thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm.