Bình thường một phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật cá nhân hay gia đình liên quan đến sinh đẻ, thai nghén… thì nguy có dị tật bào thai là 3-6% (đa phần trong đó là các dị tật nhỏ) và nguy cơ xảy thai là khoảng 15%. Đây là tỷ lệ chung cho mọi phụ nữ từ khi bắt đầu mang thai, không thay đổi kể cả ở các nước phát triển.
Khi chụp X-quang tim phổi, chùm tia X không chiếu vào vùng bào thai ở tiểu khung. Có thể có một số tia thứ cấp chạm tới nhưng liều rất nhỏ và không làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi hoặc xảy thai.
Liều tia X bệnh nhân nhận được từ 1 lần chụp tim phổi là 0,1 millisievert (đơn vị đo liều bức xạ). Một người bình thường sống trên Trái đất hàng năm nhận từ Môi trường Tự nhiên một liều bức xạ trung bình là 3 millisievert. Tức là liều bức xạ nhận được từ 1 lần chụp tim phổi chỉ tương đương với 10 ngày bức xạ tự nhiên mà bất cứ ai cũng đều được nhận.
Ngay cả ở ngưỡng 50 millisievert (bằng 500 lần chụp X-quang tim phổi liên tục) cũng chưa làm tăng nguy cơ đối với thai sản. Theo các tài liệu đã được công bố cho tới nay, liều tia xạ có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi hoặc xảy thai là trên 200 millisievert (bằng 2000 lần chụp tim phổi liên tục).
Nguy cơ với từng giai đoạn thai nghén;
- 2 tuần đầu, bào thai rất ít bị ảnh hưởng gây dị tật bởi tia X. Tuy nhiên tia X có thể gây xảy thai nhưng phải với liều cao hơn nhiều liều 50 millisievert (500 lần chụp tim phổi)
- Từ tuần thứ 2 đến 8, tia X với liều chụp chẩn đoán không gây ra dị tật, xảy thai hoặc làm chậm phát triển thai, trừ khi bị “ăn liều” trên 200 millisievert (2000 lần chụp tim phổi).
- Từ tuần thứ 8 đến 15, hệ thần kinh trung ương của bào thai có thể nhạy cảm với ảnh hưởng tia X nhưng phải với liều trên 300 millisievert (3000 lần chụp tim phổi)
- Từ sau tuần 20, các cơ quan của thai nhi đã phát triển hoàn toàn. Sức chịu đựng của thai nhi với tia X tốt hơn, gần như tương đương của người mẹ.
Thêm thông tin liên quan X-quang răng
- Khi thai phụ chụp răng, thai nhi nhận 1 liều bức xạ 0,01 millirad (0,001 millisievert), tức là phải chụp răng 100.000 lần liên tục thì thai nhi mới nhận liều 1 rad. Như vậy phải chụp răng 500.000 lần mới đạt ngưỡng 50 millisievert, là ngưỡng vẫn hoàn toàn chưa làm tăng nguy cơ nào đối với thai sản.
Thêm thông tin liên quan tia X trong việc Đo độ khoáng xương:
- Khi đo khoáng xương bằng tia X, người bệnh nhân một liều bức xạ bằng 0,001 millisivert, tương đương với 3h bức xạ tự nhiên mà mỗi cá thể nhận được hàng ngày.
Như vậy, không có cơ sở nào để lo lắng về việc một lần chụp X-quang tim phổi, hoặc ngay cả 1 lần chụp CT bụng-tiểu khung (bằng 100-200 lần chụp phổi) có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi hoặc xảy thai. Sau khi chụp X-quang tim phổi mới phát hiện ra mình có thai thì cũng không cần làm gì cả. Từ trước tới nay, nhất là với các thế hệ máy móc mới hiện tại, không có tài liệu nghiên cứu nào công bố khuyến cáo nên bỏ thai vì nguy cơ dị tật thai sau khi chụp X-quang tim phổi thông thường. Nhiều người quá lo lắng về vấn đề này thì việc lo lắng quá mức và thiếu cơ sở ở thời kỳ đầu mang thai ảnh hưởng đến thai nhi nhiều hơn việc tiếp xúc với tia X của chụp phổi.
Thai phụ nên tập trung sự chú ý về thực phẩm, nước uống, thuốc men, lối sống hoặc ô nhiễm môi trường… là các yếu tố có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến con số 3% dị tật hoặc 15% xảy thai ở tất cả các phụ nữ trẻ, khỏe mạnh có thai và hoàn toàn không tiếp xúc với tia X trong suốt thời gian mang thai. Chưa kể những người có tiền sử bệnh tật hoặc yếu tố gia đình liên quan đến sinh sản thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tối đa cho thai nhi cũng như tránh gây ảnh hưởng đến tâm lý của thai phụ và gia đình, chị em cần thông báo trước cho bác sỹ hoặc kỹ thuật viên X-quang trước nếu như đang có thai hoặc có khả năng có thai để tránh việc tiếp xúc với tia X khi không thật sự cần thiết.
Nếu việc chụp X-quang là không tránh được theo yêu cầu chuyên môn thì thai phụ cần được bảo vệ bằng áo chì để hạn chế tối đa tia X tiếp xúc với thai nhi.