Bệnh lao nếu điều trị không triệt để,kéo dài dễ dẫn tới nhứng di chứng nặng nề,ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh,cũng như gia tăng tình trạng lây nhiễm cộng đồng,vì vậy khi điều trị,người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ.
Các phác đồ điều trị lao.
Chương trình phòng chống lao Việt Nam qui định 5 thuốc chống lao thiết yếu là : Isonizid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S) và Ethambutol (E). Gồm các giai đoạn điều trị : giai đoạn tấn công 2-3 tháng đầu phối hợp ít nhất 3 thuốc, và giai đoạn duy trì kéo dài 4-6 tháng tiếp theo.
-Phác đồ điều trị bệnh nhân lao mới: 2SRHZ/ 6HE.
Nghĩa là: Trong 2 tháng đầu bệnh nhân được dùng thuốc hàng ngày với 4 loại thuốc lao là streptomycin, isoniazid, rifampicin, pyrazinamid. Đến 6 tháng tiếp theo bệnh nhân được dùng 2 loại thuốc isoniazid và ethambutol hàng ngày.
-Phác đồ điều trị của lao thất bại,tái phát: 2 SRHZE/ 1RHZE/ 5H3R3E3.
Nghĩa là: Bệnh nhân được sử dụng 5 loại thuốc lao S, R, H, Z, E hàng ngày trong 2 tháng đầu. Tháng thứ 3 dùng 4 loại thuốc lao R, H, Z, E hàng ngày. Đến 5 tháng tiếp theo bệnh nhân được dùng thuốc 3 lần trong 1 tuần với 3 loại thuốc lao R, H, E. Tổng thời gian điều trị là 8 tháng.
-Phác đồ điều trị lao trẻ em: 2RHZ/4RH
Nghĩa là: Dùng 3 loại thuốc lao R, H, Z hàng ngày trong 2 tháng đầu; 4 tháng tiếp theo dùng 2 loại thuốc lao R, H hàng ngày. Đối với những thể lao nặng như: lao kê, lao xương khớp, lao màng não, có thể bổ sung streptomycin trong 2 tháng tấn công.
Nguyên tắc cơ bản khi điều trị bệnh lao.
Điều trị bệnh lao nhằm mục đích: khỏi bệnh,giảm tỷ lệ tử vong,giảm tỷ lệ kháng thuốc cũng như giảm sự lây truyền trong cộng đồng. Khi điều trị,luôn tuân thủ theo nguyên tắc “đúng-đủ-đều”:
-Phối hợp sử dụng đủ các thuốc chống lao:
Người bệnh đôi khi thấy đơn chỉ định của bác sĩ có quá nhiều loại thuốc điều trị,thường tự ý bỏ thuốc.Điều này rất nguy hiểm.
Sự phát triển của vi khuẩn lao khác nhau tùy từng loại tổn thương, vi khuẩn tồn tại ở trong hay ngoài tế bào dẫn đến khả năng bị tiêu diệt của vi khuẩn với thuốc cũng không giống nhau.Một số thuốc chống lao có tác dụng nhất định trên vi khuẩn,kìm hãm hoặc diệt vi khuẩn. Vì vậy để điều trị đạt hiệu quả nhanh và diệt hết vi khuẩn,không tạo hiện tượng kháng thuốc cần phải phối hợp thuốc.
-Phải dùng thuốc đúng liều:
Các thuốc chống lao có một nồng độ tác dụng nhất định, dùng liều thấp sẽ không đạt hiệu quả cao,trong khi dùng liều cao dễ gây tai biến. Do đó,người bệnh khi điều trị thuốc cần điều trị đúng liều, không tự ý tăng giảm liều lượng thuốc.
-Dùng thuốc đều thời điểm,điều trị đủ thời gian:
Điều trị lao phổi phải tuân thủ đủ thời gian điều trị ,trong đó giai đoạn tấn công 2-3 tháng đầu phối hợp ít nhất 3 thuốc, và giai đoạn duy trì kéo dài 4-6 tháng tiếp theo.
Các thuốc chống lao phải tiêm và uống cùng một lúc và cố định giờ trong ngày, thuốc phải uống xa bữa ăn (trước hoặc sau) để cơ thể hấp thu thuốc tối đa và đạt được đỉnh cao nồng độ thuốc trong huyết thanh. Điều trị lao phải “đều đặn liên tục” hàng ngày hay 3 lần/tuần theo từng giai đoạn tấn công hay duy trì.Nếu tự ý ngưng thuốc,bỏ trị nửa chừng hay điều trị không đều ,điều trị không đủ số hay lượng thuốc không đủ sẽ gây nên lao kháng thuốc.
Bên cạnh đó, khi điều trị bệnh lao, người bệnh cũng nên có chế độ kiêng khem đúng mực, tuyệt đối không hút thuốc,rượu bia hay các chất kích thích,đồng thời cần tránh khạc nhổ đờm bừa bãi để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị cũng như lây lan cho cộng đồng.