Mang thai và sinh con là mong muốn của bất kì người phụ nữ nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình cần chuẩn bị những gì trước khi mang thai. Các bác sĩ tư vấn mang thai cho rằng, bên cạnh những chuẩn bị về tâm lý và tài chính, một điều không thể thiếu là sự chuẩn bị về sức khỏe của hai vợ chồng.
1. Chuẩn bị 6 tháng trước khi mang thai
Nếu bạn quá gầy hay quá béo thì đây là thời điểm thích hợp để bạn thay đổi chế độ ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cân nặng của mình nằm trong giới hạn chuẩn. Chỉ số BMI – hay gọi là chỉ số khối cơ thể – được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của mỗi người.
Chỉ số BMI được tính như sau: BMI = Cân nặng / (chiều cao x chiều cao). Trong đó: Cân nặng tính theo đơn vị Kg, chiều cao tính theo đơn vị Met.
– Nếu chỉ số BMI < 18,5: Bạn quá gầy. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có BMI < 18,5 có nguy cơ sẩy thai cao hơn bình thường 17%.
– Nếu chỉ số BMI > 23: Bạn quá béo và nếu có thai, trẻ đẻ ra có nguy cơ mắc các bệnh béo phì và bệnh tiểu đường.
Bạn và chồng cũng cần thống nhất về việc ngừng hoặc bỏ thuốc lá, rượu và các chất kích thích… vì các chất này ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng cũng như làm tăng các nguy cơ: sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, gây dị tật cho thai nhi…
2. Chuẩn bị 3 tháng trước khi mang thai
Bạn có thể đi tiêm phòng một số bệnh như: cúm, Rubella vì nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh rất cao. Bạn có thể tham khảo các tư vấn mang thai của bác sĩ tại các cơ sở y tế để nắm rõ lộ trình tiêm các mũi này.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc tránh thai hoặc đang đặt vòng thì đây cũng là thời điểm thích hợp để dừng thuốc hoặc tháo vòng và chuyển sang sử dụng biện pháp tránh thai khác thích hợp hơn (VD: bao cao su).
Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn tiêm vaccin ít nhất trước khi mang thai 1 tháng.
3. Chuẩn bị 2 tháng trước khi mang thai
Bạn và gia đình nên tẩy giun vì bạn sẽ ko thể tẩy giun trong khi mang thai. Đặc biệt cần phải tẩy giun cho toàn bộ thành viên trong gia đình cùng một thời gian để đảm bảo không có sự lây chéo ngược lại.
4. Chuẩn bị 1 tháng trước khi có thai
Bạn hãy bắt đầu uống bổ sung viên Sắt và acid Folic để phòng tránh dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Việc bổ xung Acid folic quan trọng nhất là trước khi mang thai 1 tháng và sau đấy 3 tháng. Bạn nên bổ sung trước khi mang thai 3 tháng và tiếp tục uống acid folic kèm với sắt đến khi sau khi sinh một tháng (Bạn nên lựa chọn viên sắt có chứa 60mg sắt nguyên tố, và acid folic: 400mcg).
Ngoài ra hai vợ chồng bạn nên thu xếp đi kiểm tra sức khỏe toàn diện. Bác sỹ tư vấn mang thai sẽ cho các bạn làm một số xét nghiệm sau:
Xét nghiệm công thức máu: Xem bạn có bị mắc các bệnh về máu như: thiếu máu, bất thường tế bào máu… cũng như cho bạn biết nhóm máu của mình.
Xét nghiệm hóa sinh máu: Xem bạn có bị mắc bệnh tiểu đường, đánh giá chức năng gan, thận cũng như phát hiện các bất thường khác nếu có.
Xét nghiệm nước tiểu: Tìm các yếu tố bất thường trong nước tiểu như: hồng cầu, bạch cầu, protein, glucose, vi khuẩn…
Siêu âm ổ bụng: Đánh giá về hình thái học và phát hiện các bất thường các tạng trong ổ bụng như: gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng.
Điện tâm đồ: Phát hiện các bệnh về tim như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim…
Xét nghiệm một số bệnh lây truyền qua đường máu: như Viêm gan B, HIV…
Khám phụ khoa: Phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến việc mang thai như: Viêm nhiễm đường sinh dục, polyp cổ tử cung..
Khám nha khoa: Rất nhiều bà mẹ vì không coi trọng mà bỏ qua bước khám này. Trên thực tế, phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh rất dễ mắc các bệnh răng miệng do phải ăn số lượng nhiều, ăn nhiều bữa. Thao tác đơn giản là lấy cao răng sẽ giúp các bạn hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh: viêm lợi, viêm quanh cuống, abces răng… vì nếu mắc các bệnh này trong thời kỳ mang thai hay thời kỳ cho con bú sẽ gây khó khăn cho việc điều trị.
5. Một số điều nên tránh
Thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, nhưng hơn thế nữa thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng. Một nghiên cứu sâu hơn còn cho thấy, những người phụ nữ khi mang thai bé trai bị “hút” thuốc lá thụ động (chồng, đồng nghiệp hút thuốc lá, phòng kín nhiều khói thuốc lá) thì đứa con sau này sẽ có nguy cơ giảm khả năng sản sinh tinh trùng.
Rượu làm giảm số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng, tăng tỉ lệ dị dạng của tinh trùng và là tiền đề cho dị tật thai, chậm phát triển trí não.
Chế độ làm việc căng thẳng, công việc nhiều áp lực gây stress có thể làm rối loạn sự rụng trứng, giảm sinh tinh trùng và rối loạn chức năng tình dục. Vì vậy, để chuẩn bị sinh con, vợ chồng bạn nên điều chỉnh chế độ làm việc, có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là phụ nữ.
6. Lời khuyên của bác sĩ
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây sảy thai, đẻ non, tăng dị tật thai như nhiễm Clamydia có thể gây tắc vòi trứng gây vô sinh, nhiễm giang mai dẫn đến đứa trẻ sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh, viêm nhiễm phụ khoa gây viêm màng ối gây rỉ ối, nhiễm khuẩn trong tử cung. Có thể bạn không có triệu chứng, không rõ dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa nhưng việc khám phụ khoa trước khi mang thai rất quan trọng bởi các triệu chứng của viêm nhiễm phụ khoa thường không rõ rệt, không điển hình. Bệnh lý lây qua đường tình dục có khi chỉ xét nghiệm mới phát hiện ra được như nhiễm virut viêm gan B, HIV, giang mai.
Tiêm phòng vắc-xin dự phòng một số bệnh đặc biệt là các bệnh dễ lây qua đường hô hấp mà gây hậu quả nặng nề cho thai như vắcxin cúm, Rubella (sốt phát ban kiểu Đức), nhưng nhớ lưu ý việc tiêm phòng nên kết thúc trước khi có thai 6 tháng.
Quá trình thai nghén làm thay đổi nhiều trong cơ thể người mẹ, tăng gánh nặng cho hệ thống tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa nội tiết…; với người bình thường thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh và có thể thích nghi được, nhưng với người có bệnh lý từ trước như bệnh lý tim mạch, thận, nội tiết,bệnh hệ thống thì thai nghén có thể ảnh hưởng nặng nề và làm nặng các bệnh có từ trước. Vì vậy, nếu bạn đang theo dõi điều trị các bệnh lý mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, cường giáp, suy giáp, lupus ban đỏ,… bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn mang thai về khả năng mang thai và các loại thuốc dùng trong quá trình mang thai.
Mọi vấn đề về sức khỏe, tâm lý vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.