Tiền sản giật là gì? Triệu chứng và những cảnh báo nguy cơ gây bệnh ở bà bầu sẽ được Bác sĩ giải đáp trong bài viết sau.
Bác sĩ Hoàng Thị Ly Ly
Quá trình mang thai là một niềm hạnh phúc của những bà mẹ, nhưng bên cạnh đó có không ít những lo lắng. Trong thời gian mang thai, ai cũng đều mong muốn có một thai kỳ ổn định và tốt đẹp, con cái sinh ra được khỏe mạnh và thông minh. Một trong các biến chứng nguy hại cho mẹ bầu được đề cập tới đó là chứng tiền sản giật.
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một rối loạn phức tạp xảy ra ở phụ nữ mang thai. Mẹ có thể được chẩn đoán bệnh nếu có huyết áp cao và xét nghiệm thấy protein niệu vào tuần thứ 20 của thai kỳ.
Tiền sản giật có thể trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Đối với bệnh nặng, cách duy nhất để cải thiện tình trạng là chấm dứt thai kỳ.
Thường từ tuần 20 trở lên,phụ nữ mang thai bị cao huyết áp hoặc nồng độ protein trong nước tiểu cao dễ bị bệnh hơn. Tiền sản giật rất nguy hiểm nhưng những dấu hiệu sớm thì chỉ có thể phát hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa bằng cách đo huyết áp hay xét nghiệm nồng độ protein trong nước tiểu.
Triệu chứng bệnh tiền sản giật
Tiền sản giật có thể đến đột ngột, vì vậy mẹ cần biết rõ các triệu chứng để sớm phát hiện và can thiệp bao gồm:
- Phù ở mặt hoặc sưng quanh mắt, sưng phù bàn tay, sưng đột ngột hoặc sưng nặng ở bàn chân/mắt cá chân.
- Tăng cân nhanh (trên 2kg trong một tuần). Tăng cân là chuyện bình thường trong thai kỳ nhưng nếu mẹ tăng cân đột ngột từ 1-2 kg/tuần thì đó có thể là dấu hiệu mẹ bị tiền sản giật.
- Đau đầu nặng hoặc dai dẳng
- Thị lực kém, quáng gà, mắt mờ, nhìn thấy đốm sáng hoặc điểm sáng nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng, hoặc mất thị lực tạm thời
- Đau dữ dội ở vùng bụng trên: Phụ nữ mang thai thường bị ợ nóng và khó tiêu – đây không phải là triệu chứng tiền sản giật tuy nhiên nếu mẹ bị đau bụng dữ dội cộng với đau lưng và vai thì cần đến đi khám sớm.
- Buồn nôn và ói mửa
Mặc dù buồn nôn và nôn ói là triệu chứng phổ biến của mẹ ốm nghén nhưng nếu sau tuần 20 thai kỳ, mẹ vẫn bị nôn ói với mức độ nặng nề hoặc đột nhiên nôn ói kèm các triệu chứng khác như trên thì rất có thể mẹ bị tiền sản giật.
06 yếu tố nguy cơ cao gây tiền sản giật ở bà bầu:
- Tuổi khi mang thai (dưới 20 tuổi và ngoài 40 tuổi): Bất cứ mẹ bầu nào cũng có nguy cơ bị tiền sản giật, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh trong đó có độ tuổi mang thai. Phụ nữ trên 40 và dưới 20 dễ mắc bệnh này hơn.
- Sức khỏe khi mang thai: Nếu trong lần trước mang thai mẹ đã từng bị tiền sản giật, có tiền sử bị huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, bị rối loạn tự miễn, bệnh tiểu đường, lupus hoặc hội chứng buồng trứng đa nang thì nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên.
- Tiền sử gia đình: Bạn cũng có nguy cơ cao nếu mẹ, chị gái, cô, dì từng bị tiền sản giật.
- Béo phì: Khi béo phì mà mang thai, chị em cần có chế độ ăn uống nghiêm ngặt và nói chuyện với bác sĩ về cân nặng cần tăng trong thai kỳ
- Mang thai lần đầu: Thống kê cho thấy, phụ nữ mang thai lần đầu thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những lần sau.
- Đa thai.
Tuy nhiên, một số trường hợp tiền sản giật không có bất kỳ triệu chứng nào rõ rệt, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Thậm chí, một số triệu chứng tiền sản giật có thể giống như triệu chứng mang thai bình thường. Vì vậy, mẹ cần khám thai đều đặn để bác sĩ kịp thời phát hiện bệnh bằng các xét nghiệm và thiết bị y khoa chuyên dụng nhé!