Suy tim là bệnh rất nguy hiểm. Bất kỳ biến chứng suy tim nào cũng có thể dẫn tới nguy cơ tàn tật, tử vong. Do đó, người bệnh suy tim nên chú ý tới những thay đổi trong các triệu chứng bệnh.
1. Suy tim là bệnh gì?
Suy tim, còn gọi là suy tim sung huyết , là tình trạng tim làm việc kém hiệu quả hơn bình thường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy tim. Máu vẫn được chuyển từ tim đến các cơ quan nhưng với hiệu suất thấp hơn, áp suất trong các buồng tim tăng lên.
Kết quả là tim không thể cung cấp đủ máu và oxy cần thiết đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Các buồng tim có thể đáp ứng bằng cách giãn, hoặc là dày hơn để tăng khả năng bơm máu. Điều này giúp cơ tim thích nghi tạm thời để bơm máu đảm bảo nhu cầu cho cơ thể, nhưng lâu dài, cơ tim sẽ yếu đi không đảm bảo yêu cầu bơm máu đi đến các cơ quan, gây tình trạng ứ huyết.
Tình trạng này vượt quá khả năng điều chỉnh của thận sẽ đến ứ dịch, giữ muối. Triệu chứng phù có thể ở tay, chân, mắt cá, bàn chân, xuất hiện dịch ở phổi và các cơ quan khác, cơ thể trở nên sung huyết và “Suy tim sung huyết” là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng này.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy tim
Suy tim có 2 thể: mãn tính hoặc cấp tính,
Các triệu chứng suy tim mãn tính
- Khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm xuống.
- Mệt mỏi và yếu.
- Sưng (phù) ở chân, mắt cá chân và bàn chân.
- Nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều.
- Giảm khả năng gắng sức.
- Ho dai dẳng hoặc thở khò khè có đờm màu trắng nhuốm máu hoặc màu hồng.
- Cổ trướng.
- Tăng cân đột ngột do giữ nước.
- Ít thèm ăn và buồn nôn.
- Khó tập trung hay giảm tỉnh táo.
Các triệu chứng suy tim cấp tính
- Các triệu chứng tương tự như của suy tim mãn tính, nhưng nghiêm trọng hơn và bắt đầu hoặc bất ngờ trầm trọng.
- Dịch tích tụ đột ngột.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều (đánh trống ngực).
- Khó thở đột ngột và ho ra dịch màu hồng.
- Đau ngực, nếu suy tim là do cơn đau tim.
Khám bác sĩ nếu gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng liên quan đến suy tim.
3. Phân độ suy tim
Phân độ suy tim theo chức năng của Hội Tim mạch New York (NYHA) được sử dụng dựa vào triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức.
- Độ 1: không hạn chế – vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp
- Độ 2: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường dẫn tới mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực
- Độ 3: hạn chế nhiều vận động thể lực. mặc dù khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có triệu chứng của suy tim
- Độ 4: Không vận động thể lực nào không gây khó chịu. triệu chứng của suy tim xảy ran gay cả khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng tăng lên
4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy tim
- Tăng huyết áp;
- Bệnh tiểu đường;
- Hút thuốc;
- Ăn thực phẩm giàu chất béo, cholesterol và natri;
- Béo phì.
5. Các biến chứng thường gặp của suy tim
Biến chứng phổi
Những người bệnh suy tim bị sung huyết phổi nặng hoặc kéo dài có thể phát triển thành biến chứng phổi, đặc biệt là viêm phổi và thuyên tắc phổi.
Đột quỵ
Đột quỵ là một tình trạng khá phổ biến ở những người bệnh suy tim,nguyên nhân là do lưu thông máu trở nên chậm hơn và cục máu đông hình thành trong tim có thể di chuyển tới não, gây ra cái chết của các tế bào não. Những cục máu đông trong tim thường hình thành do rung nhĩ, do tình trạng tích tụ máu trong các buồng tim ở người bệnh suy tim.
Suy tạng
Suy tim có thể làm suy yếu khả năng bơm máu của tim. Điều này khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận được đủ lượng máu cần thiết, không thể hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng suy yếu thần kinh, suy thận và các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng khác cũng là những biến chứng suy tim thường gặp. Tất cả những tình trạng này đều có thể khiến người bệnh suy tim giảm cân, thiếu năng lượng, thường xuyên mệt mỏi.
Đột tử
Đột tử là tình trạng khá phổ biến với người bệnh suy tim. Thông thường, người bệnh có thể bị đột tử do rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh thất hoặc rung tâm thất)..
Tuy nhiên, tình trạng đột tử ở những người bệnh suy tim nặng có thể là do cơ tim bị tổn thương, đột ngột ngừng
Bất kỳ biến chứng suy tim nào nói trên cũng có thể dẫn tới nguy cơ tàn tật, tử vong. Do đó, người bệnh suy tim nên chú ý tới những thay đổi trong các triệu chứng bệnh, đi khám kịp thời. Kiểm soát tốt bệnh suy tim từ sớm có thể giúp cải thiện chất lượng sống, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.