Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm màng niêm mạc lót ở trong xoang, gây tắc các lỗ thông xoang đặc biệt là những xoang nhỏ.
Thường ta phân loại viêm xoang thành hai dạng:
– Viêm xoang cấp: là tình trạng viêm xoang trong một thời gian ngắn, thường đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh và thuốc chống phù nề.
– Viêm xoang mãn: đặc trưng bởi ít nhất 4 đợt viêm xoang cấp, tái phát. Để điều trị loại viêm xoang mãn có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật kết hợp với dùng thuốc.
Nguyên nhân gây viêm xoang?
Nguyên nhân phổ biến nhất là do viêm mũi, sau cảm cúm, viêm họng, hay sâu răng. Ngoài ra có thể do nhảy cầu, lặn khi đi bơi, do áp lực thay đổi đột ngột khi đi máy bay, hay có dị vật ở mũi…hoặc có thể do biến chứng của các bệnh cúm, sởi, ho gà, viêm phổi do phế cầu khuẩn.
Vi sinh vật gây viêm xoang cũng là những vi sinh vật gây viêm nhiễm đường hô hấp trên.
Ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi cho viêm xoang: môi trường ô nhiễm, ăn ở kém vệ sinh, vẹo vách ngăn, dị ứng, u lành, u ác ở mũi; tình trạng viêm nhiễm ở phổi, viêm phế quản mãn, giãn phế quản, kết hợp bệnh viêm xoang, giãn phế quản với dị tật tim sang phải.
Các dạng viêm xoang cấp tính
– Viêm xoang trán cấp ít khi đơn thuần, thường phối hợp với viêm nhóm xoang sàng trước. Khởi đầu như xổ mũi thông thường kéo dài 5-6 ngày rồi xuất hiện những cơn đau đặc biệt của viêm xoang trán: cơn đau phía trên ổ mắt, ở một bên với chu kỳ 2 lần mỗi ngày. Cơn đau tăng dần từ sáng đến giữa trưa thì đạt mức tối đa. Khi đó, mũi chảy nhiều mủ, xoang vơi đi và cơn đau dịu xuống, đến chiều lại tái diễn cơn đau đó. Đôi khi kèm chảy nước mắt, mắt đưa đi đưa lại cũng đau, da vùng xoang tăng cảm giác, chỉ sờ cũng đau, khi ấn vị trí dây thần kinh trên hố mắt ở góc trên, trong ổ mắt cảm thấy đau nhói.
– Viêm xoang hàm cấp bắt đầu như sổ mũi thông thường nhưng kéo dài rồi xuất hiện cơn đau ở vùng dưới ổ mắt, ở một bên, cảm giác đau xuyên về một phía hàm răng, đau tăng khi gắng sức, khi nhai, khi nằm, ấn đau dưới ổ mắt. Hốc mũi xung huyết.
– Viêm xoang do răng thường có sâu răng hàm nhỏ hoặc răng hàm, với ổ áp xe quanh chân răng, mủ chảy vào trong xoang. Bệnh nhân đau nhức răng dữ dội, lợi quanh răng thường sưng, vài ngày sau mủ thối đổ ồ ạt vào xoang qua ngả chân răng.
– Viêm xoang sàng cấp ở trẻ em có thể gặp ở thời kỳ 2-4 tuổi. Bệnh có thể xuất hiện sau một đợt viêm mũi nhiễm trùng hoặc sau một đợt sổ mũi thông thường. Do xoang sàng nằm sát với thành trong ổ mắt, do đó dễ gây biến chứng vào mắt và dấu hiệu về mắt xuất hiện rất sớm. Triệu chứng: sưng nề mi trên, góc trên trong của ổ mắt sưng đỏ, chạm vào rất đau. Trong tình trạng nặng hơn, mắt có thể bị phù, nhãn cầu bị đẩy lệch xuống dưới, ra trước ngoài.
– Viêm xương tủy hàm trên, giả dạng viêm xoang hàm xuất hiện ở trẻ còn bú thường từ 1-3 tháng, do tuổi này xoang vẫn còn nhỏ, vì vậy thường viêm phần xương của xương hàm trên. Nguyên nhân thường do nhiễm tụ cầu khuẩn của xương hàm trên. Các triệu chứng má sưng, mũi chảy mủ, lợi răng sưng, có khi có lỗ rò.
– Viêm mũi mãn tính từ bé kéo dài, lớn lên có thể biến thành viêm xoang mãn tính.
– Ở người lớn sau một một đợt viêm xoang cấp tính, nếu chữa không dứt điểm có thể biến thành viêm xoang mạn tính.
Triệu chứng
– Một trong các dấu hiệu chính của viêm xoang là nhức đầu. Tính chất của nhức đầu cũng thay đổi tùy người, tùy từng vị trí của xoang bị viêm. Đợt viêm cấp thường nhức đầu dữ dội, sợ ánh sáng, nhưng viêm mãn thường nhức đầu âm ỉ, vùng đỉnh gầu, sau gáy lan xuống vai hai bên, đôi khi viêm tai giữa hay tắc vòi nhĩ.
– Viêm nhóm xoang trước thường nhức đầu vùng trán, vùng mặt , nhức mắt có khi nhức đầu theo nhưng giờ nhất định, nhức đầu về buổi sáng.
– Viêm nhóm xoang sau thường nhức đầu vùng sau, nhức ê ẩm vùng chẩm vùng gáy sau.
– Ngạt mũi, mũi chảy mủ nhày kéo dài, dễ tái phát.
– Ở trẻ nhỏ do nuốt phải chất dịch tiết từ VA, amidan, thường gây viêm phế quản tái diễn, viêm dạ dày-ruột non, ho từng cơn.
Điều trị
Tùy thuộc niêm mạc lót trong xoang có tổn thương không mà điều trị bảo tồn hay điều trị ngoại khoa.
– Điều trị bảo tồn: kháng sinh, kháng histamin, thuốc co mạch, rửa xoang, phẫu thuật nội soi, cắt polipe mũi, mổ vẹo vách ngăn, chữa răng sâu răng.
– Điều trị tiệt căn (sau khi điều trị bảo tồn thất bại) bằng phẫu thuật mở xoang hàm, lấy bỏ polype trong xoang, lấy đi các xoang sàng thoái hoá, mở thông dẫn lưu xoang trán qua phễu trán mũi, mở rộng lỗ thông xoang bướm qua đường tự nhiên… nhằm tái tạo lại sinh lý bình thường của xoang.
Khi có thắc mắc về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy gọi đến tổng đài 19006237 đê nhận được sự tư vấn cụ thể từ các chuyên gia.
TH