Thấp tim là hậu quả của viêm hầu họng do liên cầu beta tan máu nhóm A gây ra. Bệnh thường xảy ra 2-4 tuần sau khi liên cầu khuẩn xâm nhập, tạo nên một sự đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể, gây viêm tim, viêm nhiễm khớp, tổn thương da, não… Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp viêm họng hoặc nhiễm liên cầu nào đều dẫn đến bệnh thấp tim. Bệnh chỉ xảy ra ở những trẻ có cơ địa mẫn cảm với tác nhân gây bệnh.
Để hiểu rõ đặc tính của liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A gây nên bệnh thấp tim, trong bài viết này chúng tôi nhắc lại một số nét cơ bản về liên cầu khuẩn cùng với bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn gây nên.
Liên cầu khuẩn nhóm A
Liên cầu khuẩn là một cầu khuẩn, Gram (+) tập hợp thành từng chuỗi. liên cầu khuẩn có nhiều nhóm, nhưng nhóm A gây nên hầu hết các nhiễm khuẩn ở người. Liên cầu khuẩn nhóm A thường khu trú ở đường hô hấp trên( mũi, hầu, họng) hoặc trên da, trong các tổn thương chàm chốc…
Tuỳ theo khả năng gây tan máu trong môi trường thạch máu, liên cầu khuẩn chia làm 3 loại:
Liên cầu khuẩn alpha (α): khả năng gây tan máu yếu, vùng tan máu không hoàn toàn, màu xanh nhạt.
Liên cầu khuẩn beta (β) : tan máu hoàn toàn, vùng tan máu mất màu.
Liên cầu khuẩn gamma (γ): không gây tan máu giữ nguyên màu đỏ của thạch máu.
Tuỳ theo sự kết hợp của các polsaccharid với các protein khác nhau trong cấu trúc kháng nguyên thành liên cầu khuẩn, bằng phương pháp mãan dịch huỳnh quang người ta phân biệt nhiều nhóm liên cầu khuẩn khác nhau: A B C D G F…
Nhóm A-C: có cấu trúc kháng nguyên giống nhau: polysacchrid + acetylglucosamin. Gây viêm thanh quản, viêm tai giữa, tinh hồng nhiệt, thấp tim, viêm da quầng, chốc, viêm cầu thận cấp…
Nhóm B: cấu trúc kháng nguyên gồm: polysacchrid+ glucosamine. Gây viêm màng ối, nhiễm khuẩn huyết sơ sinh, viêm rốn, viêm màng não mủ…
Nhóm D : cấu trúc kháng nguyên gồm: acid glyceroltechoique+ danalin+ glucose. Gây viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn sinh dục…
Nhóm G: cấu trúc kháng nguyên gồm rhamnoes là các polysacchrid kết hợp với galactosamin gây viêm mô, nhiễm khuẩn đường hô hấp…
Tuỳ theo bản chất của các protein ( M,T,R) và khả năng làm đục môi trường canh thang của kháng nguyên trong tế bào liên cầu khuẩn người ta phân lập về miễn dịch học 70 chủng khác nhau. Chỉ có 10 chủng M hay được phân lập nhất.
Bệnh viêm cầu thận cũng do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra nhưng chỉ một vài chủng gây bệnh (các chủng 12,25,49) ngược lại thấp tim có thể do bất kỳ chủng nào trong 70 chủng trên đây. Do đó thấp tim phổ biến hơn, hay gặp hơn viêm cầu thận cấp.
Liên cầu khuẩn trong các tổn thương ngoài da ( chàm, chốc..) có thể gây viêm cầu thận nhưng không gây bênh thấp tim do có sự khác nhau về cấu trúc kháng nguyên giữa các chủng gây bệnh. Có giả thuyết cho rằng ngoại độc tố của của tụ cầu bội nhiễm trên tổn thương da do liên cầu khuẩn ức chế khả năng sinh bệnh thấp của chúng .
Tóm lại: chỉ có liên cầu tan máu nhóm A khu trú ở vùng hầu họng gây viêm hầu họng cấp tính là nguyên nhân gây bệnh thấp tim, trong bệnh thấp tim liên cầu tan máu nhón A không trực tiếp gây tổn thương các bộ phận. Các biểu hiện của bệnh thấp tim là hậu quả của sự đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trước tác nhân gây bệnh.
(Còn nữa)
Chú ý: nếu có các triệu chứng của bệnh thấp tim, hãy gọi đến tổng đài 19006237 để được tư vấn trực tiếp.