Bệnh huyết áp thấp được cho là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất của con người. Vậy mức độ huyết áp thấp là bao nhiêu, biểu hiện, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh huyết áp thấp như thế nào? Mời bạn đọc bài viết dưới đây.
1. Huyết áp thấp là bao nhiêu?
Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.
Huyết áp bình thường dao động trong khoảng Huyết áp tối đa từ 90 đến 130 mmHg và huyết áp tối thiểu từ 60 đến 85 mmHg
Huyết áp thấp được chẩn đoán khi huyết áp tối đa nhỏ hơn 90 mmHg và (hoặc) huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 60 mmHg. Huyết áp thấp là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não tương tự như huyết áp cao. Có 30% số người bị nhồi máu não là 25% số người bị nhồi máu cơ tim do huyết áp thấp.
Đối với người bình thường, huyết áp vào ban ngày thường cao hơn ban đêm. Huyết áp có xu hướng hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1 – 3 giờ sáng, thời gian con người ngủ say nhất và huyết áp sẽ tăng cao nhất vào khoảng 8 – 10 giờ sáng.
Nhiệt độ lạnh gây co mạch hoặc một số thuốc co mạch, thuốc tác động lên lực co bóp cơ tim, ăn mặn… có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nhiệt độ nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, tiêu chảy mất nước hoặc dùng thuốc giãn mạch… có thể gây hạ huyết áp.
Đặc biệt, khi vận động thể lực gắng sức, căng thẳng thần kinh hoặc khi trải qua các xúc động mạnh đều có thể làm cho huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể sẽ hạ xuống.
Nếu tình trạng huyết áp thấp kéo dài còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu.
2. Triệu chứng của bệnh huyết áp thấp
Triệu chứng bệnh huyết áp thấp thường có biểu hiện như:
- Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu
- Mệt mỏi
- Nhịp tim nhanh, hồi hộp trông ngực
- Hay quên, giảm trí nhớ
- Giảm sự tập trung
- Ngất
- Da lạnh, ẩm
- Buồn nôn.
Đọc thêm: Cách xử trí khi bị hạ huyết áp
3. Nguyên nhân và cách phòng tránh
Huyết áp thấp phân thành ba loại là huyết áp thấp nguyên phát, huyết áp thấp tư thế và huyết áp thấp thứ phát.
Huyết áp thấp nguyên phát thường gặp ở lứa tuổi 20 – 40, nữ giới cơ thể hư nhược, có thể không thấy biểu hiện triệu chứng hoặc thấy đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, hay quên, mệt mỏi, tức ngực; ngoài việc đo thấy huyết áp thấp ra thì không phát hiện các bệnh khác hoặc do ăn uống kém.
Huyết áp thấp do tư thế liên quan đến thay đổi tư thế đang nằm, ngồi đột ngột đứng lên hoặc do tư thế đứng kéo dài làm cho huyết áp tâm thu hạ hơn 20 mmHg, huyết áp tâm trương hạ hơn 10 mmHg.
Huyết áp thấp triệu chứng là triệu chứng giảm huyết áp của một số bệnh gây nên, thường gặp như bệnh tim mạch, bệnh nội tiết, bệnh mạn tính gây mất máu, mất nước và điện giải…
Một số nguyên nhân gây giảm huyết áp như:
- Mất nước, mất máu: không uống đủ nước, đi ngoài, nôn nhiều, bệnh lí xuất huyết…
- Tiểu đường
- Parkinson
- Suy tim
- Giảm nhịp tim khi dùng thuốc làm giảm nhịp quá liều
- Ăn nhạt
- Mang thai.
Cách phòng tránh và điều trị:
Tùy vào nguyên nhân gây huyết áp thấp mà bạn cần có hướng điều trị thích hợp , dưới đây là 1 số gợi ý với trường hợp huyết áp thấp nguyên phát hay huyết áp thấp thứ phát
- Ăn mặn hơn
- Ăn nhiều bữa nhỏ, đủ chất dinh dưỡng
- Uống nhiều nước, duy trì từ 2 -3 l/ ngày
- Tập thể dục thường xuyên tùy thuộc vào khả năng của bạn, bạn nên tập nhẹ nhàng sau đó nâng dần khả năng và độ khó của bài tập
- Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lí, không nên làm quá sức gây mất nước mất điện giải nhiều gây hạ huyết áp.
- Mang tất áp lực, tất đàn hồi để giảm áp lực máu dồn xuống chân
- Thay đổi tư thế 1 cách chậm rãi.
Với trường hợp bạn tăng huyết áp thứ phát sau 1 số bệnh lí, bạn cần nghiêm chỉnh tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ, khi điều trị ổn định thì tình trạng huyết áp thấp của bạn cũng được cải thiện.