Ở những người bênh tim, những cơn đau tức ngực dai dẳng, kèm theo mệt mỏi, khó thở triền miên không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn nguy cơ nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người bệnh.
1. Nguyên nhân
Phần lớn nhồi máu cơ tim là do cục máu đông hiện diện trong lòng mạch máu nuôi tim (còn gọi là động mạch vành) làm tắc mạch máu. Mạch vành đem máu và ô xi đến nuôi tim, nếu mạch máu bị tắc, tim sẽ thiếu ô xi và tế bào cơ tim sẽ chết. Ngoài ra, nhồi máu cơ tim còn có thể do các mảng xơ vữa làm tắc hẹp mạch vành.
Các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ vữa động mạch như hút thuốc lá, huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu cao và tiền sử gia đình có bệnh tim mạch lúc trẻ.
Các yếu tố thuận lợi để thúc đẩy đến một cơn nhồi máu cơ tim thường không biết chính xác. Nó có thể xảy ra khi:
– Khi đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ
– Sau khi tăng đột ngôt hoạt động thể lực
– Khi hoạt động ngoài trời lạnh
– Sau một căng thẳng tâm lý hoặc bệnh nặng
Nhồi máu cơ tim nặng có thể gây sốc tim, là tình trạng khẩn cấp, có thể đe dọa tính mạng vì toàn bộ cơ thể bị thiếu máu nuôi.
2. Triệu chứng nhồi máu cơ tim
* Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là:
– Đau ngực: với cảm giác đau như bị đè ép, bóp chặt ở giữa ngực, diễn ra trong khoảng 5–15 phút (khác về thời hạn và độ đau với cơn đau ngực thông thường), thường không quá 1 giờ.
– Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái.
– Các triệu chứng phụ như: vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh, mệt nhọc, khó thở, tái nhợt, tim đập mạnh.
Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim lại có biểu hiện không rõ ràng như tiêu chảy, đau bụng, hoặc chẳng hề có triệu chứng (nhồi máu cơ tim thầm lặng – thấy nhiều trong các bệnh nhân đái tháo đường), hoặc lại hết sức đột ngột, biểu hiện bằng biến chứng hôn mê, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hay chết bất ngờ …
3. Các xét nghiệm nào cần làm khi nghi ngờ nhồi máu cơ tim?
Mặc dù khai bệnh là khá quan trọng nhưng quyết định chẩn đoán là các xét nghiệm vì nó khách quan và trung thực hơn trong định bệnh. Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn thực hiện các xét nghiệm sau đây khi nghi ngờ bạn có bệnh nhồi máu cơ tim nếu bạn có cơn đau ngực trái nhiều và kéo dài 10-30 phút.
– Xét nghiệm đầu tiên cần làm là Điện Tâm Đồ(ECG):
+ Tùy theo hình ảnh sóng ECG mà quyết định xử trí ban đầu:
+ Nếu đoạn ST chênh lên trên ECG điển hình nhồi máu cơ tim cấp (chỉ gặp 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim), cần sử dụng aspirin và nitroglycerine và các thuốc tiêu sợi huyết ngay (nếu không có chống chỉ định theo phán quyết của bác sĩ) và nhập viện theo dõi ngay. Tại bệnh viện, bệnh nhân nhồi máu cơ tim sẽ được theo dõi ECG và thực hiện xét nghiệm máu (men tim,glucose máu, creatinine)
+ Nếu thay đổi ST không đặc trưng (ST chênh xuống, hoặc gần bình thường) cần theo dõi tiếp tục, có thể xử trí ban đầu với nitroglycerine và aspirin khi nghi ngờ có bệnh thiếu máu cơ tim cấp. Cần xác minh hoặc loại trừ nhồi máu cơ tim bằng xét nghiệm tìm hoại tử cơ tim.
– Xét nghiệm máu tìm tổn thương cơ tim:
+ Khi cơ tim bị hoại tử do nhồi máu, một số thành phần cơ tim được giải phóng ra và sẽ đi vào máu do đó người ta sẽ xét nghiệm máu để tìm những thành phần này.
+ Nếu đau ngực xãy ra < 6 giờ thì nên chọn xét nghiệm Myoglobine, CB-MB và có thể xét nghiệm lại sau 6-8 giờ.
+ Nếu đau ngực xảy ra > 6 giờ nên làm xét nghiệm CK-MB và Troponin I hoặc T.
+ Ở các cơ sở y tế chưa được trang bị các xét nghiệm trên thường sử dụng SGOT & SGPT, LDH để tham khảo mặc dù độ chính xác không bằng nhưng cũng là dấu hiệu gợi ý. Hầu như các nước tiên tiến đã từ bỏ xét nghiệm SGOT &SGPT trong qui trình chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.
+ Khi xét nghiệm cho thấy trị số tăng cao thì có thể chẩn đoán nhồi máu cơ tim và bác sĩ sẽ điều chỉnh điều trị trước đó theo hướng tích cực hơn
– Các xét nghiệm khác:
Chỉ xem xét sau khi đã có chẩn đoán rõ ràng hoặc nhằm loại trừ bệnh lý khác mà không nghĩ đến nhồi máu cơ tim.
+ Chụp Xquang tim phổi: Để đánh giá thêm tình trạng phổi như có tràn khí – tràn dịch màng phổi hay không, cũng như xem xét bóng tim có lớn không.
+ Siêu âm tim: nhằm xem xét có tổn thương cấu trúc (phình vách tim, tràn dịch màng tim) và xem xét chức năng co bóp tim có tốt hay không.
4. Bạn cần làm gì khi có cơn đau ngực kéo dài?
– Khi cơn đau ngực như mô tả xãy ra bạn cần lưu ý như sau:
– Ngưng ngay hoạt động và công việc đang làm ví dụ đang lái xe nên tấp xe vào lề, báo ngay thân nhân (bằng điện thoại), có thể nằm nghỉ, sử dụng thuốc nitroglycerine ngậm dưới lưỡi nếu bạn đã được bác sĩ của bạn chẩn đoán bệnh mạch vành trước đây .
– Nếu sau 10-30 phút tình trạng đau ngực không đỡ, đặc biệt khi đã sử dụng nitroglycerine ngậm dưới lưỡi . Cần được đưa đi nhập viện ngay bằng phương tiện an toàn và nhanh nhất.
5. Những xử trí nào được thực hiện tại bệnh viện?
Tại bệnh viện khi bạn than phiền đau ngực trái nhiều kèm vả mồ hôi, sau khi bác sĩ đo huyết áp và thăm khám cho bạn, các xét nghiệm cần thiết sẽ thực hiện khẩn trương. ECG là xét nghiệm quyết định ban đầu bạn có bị nhồi máu cơ tim hay không để có thể điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết. Nếu chẩn đoán được xác minh là có nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ được chăm sóc chặt chẽ hơn tại giường.
– Được theo dõi ECG liên tục tại giường, đo huyết áp thường xuyên.
– Thiết lập đường truyền tỉnh mạch.
– Thở oxy.
– Sử dụng thuốc dãn mạch vành (Nitroglycerin, Risordane), thuốc ổn định tim (thuốc ức chế bêta(metoprolol, atenolol…). Xem xét thuốc làm tan cục máu đông trong mạch vành (streptokinase, alteplase,rPA..) và thuốc aspirin…
– Nếu đau nhiều cần phải sử dụng thuốc giảm đau mạnh: Morphin tiêm tĩnh mạch để giảm đau. Với sử dụng ngắn hạn có kiểm soát theo chỉ dân bác sĩ người bệnh sẽ không lo bị nghiện.
– Ở một số nước tiên tiến, khi cần thiết và nguy cấp do tắc động mạch vành người ta có thể nong động mạch vành ngay để máu trong mạch vành có thể lưu thông trở lại.
6. Một số lưu ý đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim
– Trước khi xuất viện vì nhồi máu cơ tim , người bị nhồi máu cơ tim sẽ kiểm tra tim mạch trước khi xuất viện như xét nghiệm men tim, thực hiện nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức mà qua đó bác sĩ sẽ khuyên người bệnh được phép gắng sức đến mức nào trong sinh hoạt hằng ngày.
– Người bệnh cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ về chế độ ăn, vận động thể lực thường xuyên với mức độ cho phép, cách dùng thuốc và thời gian tái khám.
– Cần cảnh giác với những cơn đau ngực và các dấu hiệu khác vì sau nhồi máu cơ tim không có nghĩa là bệnh đã hết hẳn mà phải điều trị tiếp tục vì tổn thương mạch vành có thể xảy ra ở những nhánh động mạch khác một khi nguy cơ của nó không khắc phục (huyết áp cao, tiểu đường, tăng mỡ trong máu…)
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.