Để phòng tránh suy tĩnh mạch trở thành một căn bệnh thật sự thì bạn cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh ngay từ những ngày đầu của thai kì.
Suy giãn tĩnh mạch chi là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạnh nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, viêm tĩnh mạch sâu huyết khối..
Giãn tĩnh mạch trong thai kì là một vấn đề rất phổ biến, giãn tĩnh mạch thường nặng hơn trong thời kỳ thứ ba hay 3 tháng cuối của thai kỳ. Trong giai đoạn này, các tĩnh mạch bị sưng giãn và sậm màu, các tĩnh mạch mạng nhên bị vỡ tổn thương sẽ xuất hiện trên chân, một số trường hợp có thể rất nghiêm trọng. Mang thai đôi hay nhiều con nguy cơ giãn tĩnh mạch sẽ nhiều hơn. Do đó giãn tĩnh mạch có thể được phát hiện trong những tháng cuối rõ hơn trong những tháng đầu.
1.Các triệu chứng của giãn tĩnh mạch trong thai kỳ
Ngoài hình dạng tĩnh mạch ngoằn nghèo mất thẩm mỹ xuất hiện ở chân, thì các triệu chứng như phù chân, đau và yếu; nặng chân xuất hiện, đặc biệt vào cuối ngày. Một số truờng hợp có đổi màu sắc ở vùng cổ chân.
Đôi khi tĩnh mạch giãn có thể trở nên xơ cứng, đỏ và đau và có thể hình thành một số cục máu đông gọi là huyết khối. Nếu nghi ngờ các triệu chứng của huyết khối trong tĩnh mạch trong khi mang thai, lập tức phải gặp ngay bác sĩ để kiểm tra.
2. Chẩn đoán suy tĩnh mạch trong thai kì
Chẩn đoán suy tĩnh mạch thường rất đơn giản, chỉ cần dựa vào những thăm khám lâm sàng mà không cần phải là xét nghiệm. Tuy nhiên trong trường hợp có nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch do suy giãn tĩnh mạch thì cần phải làm siêu âm Dopler mạch để được phát hiện sớm phòng biến chứng tắc mạch não, tắc mạch tim …
3. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch trong thai kì
Lượng máu trong hệ tĩnh mạch chiếm 65-75% tổng lượng máu của cơ thể (gấp 3 lần lượng máu trong hệ động mạch). Trong đó lượng máu ở hệ tĩnh mạch nông chiếm 15% và 85% ở trong hệ tĩnh mạch sâu. Khi đứng lâu, lượng máu tĩnh mạch cẳng chân tăng thêm 500ml. Khi áp lực thủy tĩnh cao hơn áp lực keo và áp lực mô sẽ dẫn đến thoát dịch ra khoảng gian bào và gây ra phù chân.
Các nguyên nhân chủ yếu gây giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Hiện tượng giảm trương lực tĩnh mạch xảy ra khi mang thai là do giảm trương lực co mạch hoặc độ đàn hồi của mạch máu do hormon sinh dục nữ tăng cao trong thời kỳ thai nghén
- Tăng thể tích máu tới 20-30% trong suốt quá trình mang thai
- Tăng áp lực tĩnh mạch gấp 2-3 lần do tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới khi nằm ngửa ở thời điểm 3 tháng cuối
- Giảm dần vận tốc dòng máu tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai, có thể giảm tới một nửa trong 3 tháng cuối ở thời kỳ thai nghén; Các van tĩnh mạch bị hở do tĩnh mạch căng ra và trở nên suy cơ năng. Các van tĩnh mạch bị hở này sẽ trở về bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn không hồi phục và gây giãn tĩnh mạch sau sinh.
- Bên cạnh đó có hiện tượng tăng đông sinh lý trong quá trình mang thai. Hiện tượng tăng đông bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng thứ 2 và kéo dài suốt thời kỳ mang thai, làm tăng nguy cơ huyết khối trong thai kỳ và khi sinh.
4. Điều trị giãn tĩnh mạch trong thai kì
Đa số các trường hợp giãn tĩnh mạch trong thai kì đều có thể tự hồi phục sau quá trình sinh nở. Tuy nhiên một số trường hợp có biểu hiện viêm huyết khối, tĩnh mạch giãn nhiều gây đau và chảy máu thì cần được phẫu thuật hoặc điều trị xơ hóa. Việc dùng thuốc trong giai đoạn này hết sưc khó khăn vì hầu hết các thuốc chống chỉ đình vì có thể gây quái thai, sảy thai , đẻ non…do vậy việc phòng ngừa là hết sức quan trọng.
5. Phòng ngừa suy tĩnh mạch trong thai kì
– Đi bộ để giúp máu lưu thông
– Tránh mang vác, xách đồ nặng
– Giữ trọng lượng khuyến cáo trong thai kì, không để tăng cân quá nhanh
– Không ngồi bắt chéo chân hay mắt cá chân
– Nâng cao chân bất cứ khi nào có thể, kê chân cao khi nằm, khi ngồi
– Không ngồi hoặc đứng lâu trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi để đi lại giúp tuần hoàn mái không bị ứ trệ
– Tập cử động các khớp cổ chân, co duỗi máu để giúp máu lưu thông.
– Kê chân cao khi nằm làm cho tĩnh mạch được nghỉ ngơi và giải phóng bớt áp lực lên tĩnh mạch chân.
– Nằm ngủ nghiêng bên trái bằng cách để gối sau lưng để nghiêng sang bên trái và kê cao chân. Vì hệ tĩnh mạch chủ nằm bên phải, khi nằm nghiêng bên trái sẽ làm giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới do đó làm giảm áp lực lên tĩnh mạch cổ chân và bàn chân.
– Mặc vớ hỗ trợ, vớ áp lực hoặc các hình thức khác để ép các tĩnh mạch giúp máu không bị ứ đọng trong khi mang thai. Vớ áp lực hay còn gọi là vớ ép y khoa, vớ tĩnh mạch, Vớ tạo áp lực mạnh ở phần mắt cá, giảm áp lực dần cho đến phần đùi, làm cho máu dể dàng chảy ngược lên tim. Kết quả là giúp ngăn ngừa sưng và có thể giữ cho các tĩnh mạch đã giãn không trầm trọng hơn.
– Để ngăn chặn máu ứ đọng ở chân, mang vớ ngay trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, trong khi vẫn còn ở tư thế nằm, mang vớ cả ngày.
Tuy nhiên tình trạng suy tĩnh mạch chi có thể tự phục hồi sau sinh từ 3-4 tháng.
Trieuchungbenh.com